Sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử nơi đảo xa

(VOV5) - Theo chân những đoàn người di cư tới vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, những câu ca, tiếng hát, câu vọng cổ… từ những bài ca tài tử cũng được người ngư dân mang ra nơi đảo xa. Những lúc rảnh rỗi, các ngư dân lại cất tiếng hát để làm dịu đi nỗi mệt nhọc sau những ngày mưu sinh vất vả và để vơi đi nỗi nhớ nhà. Từ đó, câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các xã thuộc huyện đảo Phú Quốc ra đời và trở thành nơi nuôi dưỡng tinh thần cho bà con trên đảo, được mọi người hưởng ứng nhiệt tình.



  Sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử nơi đảo xa - ảnh 1
Vợ chồng anh Minh Thông ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc với tiết mục song tấu nhạc cụ. Ảnh theo http://vhttdlkv3.gov.vn


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hơn 10 năm nay, ngôi nhà của ông Lê Trường Giang, ở xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, luôn rộn rã tiếng hát, tiếng cười. Các thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử Thổ Châu tập trung tại đây, cùng tập luyện để chuẩn bị cho những lần giao lưu với bộ đội, phục vụ văn nghệ cho bà con trên đảo. Ông Lê Trường Giang, người thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử Thổ Châu, hồi tưởng về năm 1993, khi ông đưa cả gia đình ra đảo Thổ Châu sinh sống theo diện di dân của Nhà nước: Hồi đó đời sống tinh thần rất thiếu thốn nên tôi mới thành lập câu lạc bộ này để đem lại món ăn tinh thần cho mọi người. Tôi đam mê đờn ca tài tử từ nhỏ nên cùng những người thích đờn ca tài tử tập dượt hàng ngày để giao lưu. Tôi rất vinh dự khi đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể.

 

 

Thành viên của câu lạc bộ đờn ca tài tử Thổ Châu là những ngư phủ, nông dân, rồi cả các cán bộ xã, người cao tuổi… Những lúc biển động, không thể ra khơi, mọi người lại quây quần bên nhau đàn hát cho nhau nghe, hay những lúc đi biển về lại tranh thủ tập trung sinh hoạt văn nghệ. Những giai điệu ngọt ngào của đờn ca tài tử giúp người dân quên đi mệt mỏi, nhọc nhằn sau những cuộc mưu sinh dài ngày trên biển.

 

Trước đây, đảo xa, phương tiện để cập nhật bài hát không có nên ông Giang cũng là người sáng tác các bài ca cho câu lạc bộ. Những câu ca mộc mạc, giản đơn nhưng thắm đượm tình cảm, cũng là lời bà con nhắc nhau chí thú làm ăn. Đến bây giờ Thổ Châu đã phát triển hơn trước rất nhiều, các phương tiện giải trí cũng đa dạng hơn nhưng câu lạc bộ đời ca tài tử vẫn tồn tại và sinh hoạt như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Thổ Châu. Chị Nguyễn Xuân Hiền, thành viên câu lạc bộ, cho biết:  Từ trước đến giờ chị em trên đảo mê đờn ca tài tử lắm nên mọi người rất ủng hộ nhạc tài tử. Mình đam mê bao nhiêu thì thể hiện bấy nhiêu, tiết mục cây nhà lá vườn mà.”

 

Cũng giống như ở đảo Thổ Châu, đờn ca tài tử khiến cho đời sống tinh thần của người dân đảo Phú Quốc thêm phong phú. Không những vậy, nghệ thuật đờn ca tài tử còn trở thành “đặc sản” của đảo được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế yêu thích khi đến với Phú Quốc. Câu lạc bộ đờn ca tài tử của đảo Phú Quốc có hơn 30 thành viên, sinh hoạt định kỳ mỗi tuần 4 lần vào buổi tối tại nhà thiếu nhi huyện Phú Quốc và chợ đêm Dinh Cậu. Bà Hà Kim Thanh, chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử Phú Quốc, cho biết: Hải đảo xa xôi nhưng phong trào đờn ca tài tử phát triển lắm. Ở đây thiếu thốn các hình thức giải trí nhưng về đờn ca tài tử thì nhiều người yêu thích. Có những đêm nhạc tài tử, chỉ có 1 hoặc 2 người trong câu lạc bộ hát thôi, còn đa số là khách ca.

 

Gần 70 tuổi, nhưng bà Hà Kim Thanh vẫn còn rất đam mê và tâm huyết với đờn ca tài tử. Ngoài việc lên chương trình sinh hoạt, chăm lo cho hội viên, bà Thanh còn kiêm luôn cả sáng tác các bài hát và trích đoạn cho các thành viên tập dượt. Đến nay bà đã sáng tác hơn 100 bài ca tài tử để ca ngợi người dân và vẻ đẹp của đảo Phú Quốc. Hơn một nửa trong số đó đã được các thành viên câu lạc bộ thể hiện và được mọi người rất khen ngợi.

 

Đã từ rất lâu, đờn ca tài tử đã là người bạn, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ, của những người con xa quê mưu sinh ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Bên ly rượu, chén trà, những tài tử ca không chuyên cất lên lời ca tiếng hát từ nơi đảo xa làm cho các đảo lớn, nhỏ ở huyện đảo Phú Quốc như rộn ràng hơn, đầy sức sống hơn. Nhờ có những câu lạc bộ đờn ca tài tử nghiệp dư như của ông Giang, bà Thanh hay nhiều câu lạc bộ khác ở Phú Quốc, mà Đờn ca tài tử Nam bộ đang ngày một lan tỏa trong nhân dân. Để từ đó, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn giữ được giá trị quý báu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ nói riêng, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại nói chung./.

Phản hồi

Các tin/bài khác