(VOV5)- Kết quả giải Báo chí Quốc gia vừa công bố mới đây nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06), Đài Tiếng nói Việt Nam có 9 tác phẩm đạt giải, trong đó có 2 giải A, 2 giải B, 2 giải C và 3 giải khuyến khích.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Năm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam có 25 tác phẩm báo chí tham dự Giải Báo chí Quốc gia. Theo ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, các tác phẩm đạt giải của Đài Tiếng nói Việt Nam là bức tranh phản chiếu đầy đủ và khách quan về tình hình đất nước ở nhiều phương diện, trong đó có những tác phẩm có tính phát hiện và thể hiện sinh động những vấn đề mang tầm quốc gia, quốc tế: Đây là một mùa giải thành công. Những tác phẩm báo chí đạt giải, nhất là giải cao không chạy theo chủ đề giật gân, câu khách mà là những tác phẩm đi sâu lý giải bản chất vấn đề, được thể hiện hấp dẫn, đáp ứng mong mỏi của dư luận, ví dụ như tác phẩm động đất ở thủy điện sông Tranh 2 hay tác phẩm về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trao giải cho tác phẩm: Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử-bản anh hùng ca Hà Nội tháng 12 năm 1972 của nhóm tác giả Lê Tuyết, Nguyễn Mỹ Hà, Đàm Thị Hoa, Đỗ Việt Nga (Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp -VOV1)
Tác phẩm Bước ngoặt thần kỳ, trong chương trình phát thanh đặc biệt “Bản anh hùng ca Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972” do nhóm tác giả Lê Tuyết, Mỹ Hà, Việt Nga, Đàm Hoa thực hiện đạt giải A thể loại chuyên đề phát thanh tổng hợp. Chỉ trong gần 1 giờ đồng hồ, Bước ngoặt thần kỳ đã dẫn dắt người nghe hình dung được phần quan trọng của cục diện lịch sử trên bàn đàm phán, dẫn tới ký kết Hiệp định Paris 1973, buộc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Nếu như “Bước ngoặt thần kỳ” đạt giải cao bởi đó là 1 câu chuyện lịch sử được kể lại đầy sinh động, hấp dẫn, xác thực bằng ngôn ngữ phát thanh thì loạt phóng sự: Động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn” lòng dân do nhóm tác giả Phạm Tấn Tư, Phan Thanh Hà, Đặng Văn Năm thực hiện đạt giải A bởi sự chân thật, dung dị nhưng đầy quyết liệt, đi đến cùng của sự kiện, vấn đề trong đời sống hiện đại. Sau khi phát sóng, loạt bài phóng sự điều tra thời sự này đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng, xã hội. Nhưng quan trọng hơn, như Nhà báo Phan Thanh Hà tâm sự, “tác phẩm này là sự trả nghĩa của những người làm báo với đồng bào các dân tộc thiểu số ở nơi đây: Với tư cách là người làm báo mình không thể giúp bà con về vật chất nhưng mình có trách nhiệm nêu lên thực tế để qua đó các cấp chính quyền và Nhà nước, Chính phủ có những đầu tư tốt hơn đối với đồng bào, coi như đó là sự trả nghĩa của những người làm báo với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng căn cứ địa xưa , ở huyện Bắc Trà My.”
Trong năm 2012, vấn đề chủ quyền lãnh thổ của các nước có liên quan trên biển Đông, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương luôn nóng hổi trong dư luận quốc tế. Trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, câu chuyện về cái gọi là “đường lưỡi bò” và yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc được thông tin cụ thể, phân tích, bình luận sâu sắc trong loạt bài Biển Đông: phi lý yêu sách đường lưỡi bò của nhóm tác giả Trần Công Trục, Minh Hiển, Lê Phúc, Thu Lan, Lê Bình. Tác phẩm đạt giải B, Giải Báo chí Quốc gia thể loại bình luận, chuyên luận Phát thanh. Phóng viên trẻ Lê Bình cho biết: Khó khăn nhất khi nhóm phóng viên chúng tôi thực hiện loạt bài lần này là phải tìm cách tiếp cận với nguồn tài liệu của các học giả là người Trung Quốc, dựa trên căn cứ pháp lý là công ước Luật biển và dựa trên chính lập luận của các giáo sư, học giả Quốc tế cũng như bản thân người Trung Quốc, để khẳng định đường lưỡi bò là không có căn cứ pháp lý, là yêu sách vô lý. Thông điệp mà nhóm tác giả muốn gửi đi là từ chính lời của nhóm học giả này khẳng định chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong khi đó, câu chuyện về nỗ lực thoát nghèo, làm giàu, hội nhập của đồng bào dân tộc thiểu số được nhóm tác giả Đặng Thị Huệ, Hà Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Thanh Tâm dàn dựng công phu sinh động trong tác phẩm Chuyện hội nhập của đồng bào thiểu số, lại hấp dẫn ở một khía cạnh khác. Nhà báo Đặng Thị Huệ cho biết: Xưa nay khi viết về đề tài dân tộc thiểu số, mọi người hay nhìn nhận họ là những người cần được hỗ trợ nhưng nhóm phóng viên Hệ phát thanh dân tộc đã tiếp cận và khai thác ở góc độ hoàn toàn mới là viết về đồng bào dân tộc thiểu số cực kỳ năng động, chủ động hội nhập cùng sự phát triển kinh tế của đất nước, vươn lên làm giàu. Nội dung chương trình này của chúng tôi tính phát hiện chỉ vừa phải nhưng chúng tôi thực hiện theo lối phát thanh hiện đại – phát thanh thực tế là khi thực hiện phóng viên trò chuyện với nhân vật từ hiện trường.”
Mỗi tác phẩm báo chí phát thanh là một câu chuyện sinh động, chân thực, đầy ý nghĩa về một lĩnh vực của đời sống. Đó là cách thức mà những người làm báo phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã, đang thực hiện. Mỗi mùa giải Báo chí Quốc gia, những câu chuyện sinh động, chân thực, đầy ý nghĩa về đời sống được thể hiện trên sóng phát thanh lại đạt được những thành công lớn, là động lực để mỗi phóng viên, nhà báo phát thanh nỗ lực hơn nữa trong công việc của mình./.