(VOV5) - Xem lại những hình ảnh, tư liệu về các di tích nổi tiếng của Hà Nội, nhiều kỷ niệm ùa về với những khán giả lớn tuổi.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (16/07/1999 - 16/07/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò chính thức ra mắt trưng bày chuyên đề “Một thoáng di sản”. Trưng bày mang tới những góc nhìn chân thực, giúp người xem khám phá lịch sử các di tích quen thuộc tại Thủ đô.
Trưng bày mang tới những góc nhìn chân thực, giúp người xem khám phá lịch sử các di tích quen thuộc tại Thủ đô. Ảnh:hanoimoi.vn |
Trong khuôn viên dọc hành lang Nhà tù Hỏa Lò, 25 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử của Hà Nội được tái hiện chân thực, sống động bằng nhiều hình ảnh. Không gian trưng bày được thiết kế hài hòa với hai gam màu chủ đạo là xanh và vàng. Trong đó, màu xanh tượng trưng cho hiện tại, niềm tin, hy vọng và sự sáng tạo; màu vàng biểu trưng cho quá khứ, lịch sử trường tồn. Trưng bày diễn ra đúng dịp kỷ niệm 25 năm ngày Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy giá trị các di tích, thu hút khách tham quan đến trải nghiệm không gian lịch sử tại di tích lịch sử Nhà tù Hòa Lò nói riêng và tìm hiểu về thủ đô Hà Nội nói chung.
Chị Lã Bích Thủy, nhân viên Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cho biết: Trưng bày “Một thoáng di sản” giới thiệu những tư liệu, hình ảnh về các di tích lịch sử, di tích cách mạng kháng chiến, địa điểm lưu niệm sự kiện của Hà Nội. Đây là nơi lưu giữ những ký ức, nơi ghi dấu các chiến công, các bước phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam. Trưng bày là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc và cho Hà Nội - “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trưng bày giúp công chúng có dịp tìm hiểu, khám phá lịch sử qua nhiều công trình mang kiến trúc Pháp, như: Khu Đấu xảo do chính quyền thực dân Pháp xây dựng năm 1899-1902 trên đại lộ Gambetta (nay là Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô trên phố Trần Hưng Đạo; Nhà số 90 phố Jean Soler (nay là phố Thợ Nhuộm), nơi làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, nơi Tổng Bí thư Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930; Nhà số 5D đại lộ Doudart de Lagreé (nay là phố Hàm Long), nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3/1929; Ngân hàng Đông Dương – Chi nhánh Hà Nội tại đường Courbet (nay là phố Lý Thái Tổ), nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích” vào tháng 7/1939; Nhà số 101 phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) là trụ sở của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban Khởi nghĩa) tháng 8/1945… Cùng với đó, công chúng cũng có dịp khám phá lịch sử qua các di tích quen thuộc, như: Nhà hát Lớn Hà Nội; Pháo đài Láng; Quảng trường Cách mạng Tháng Tám; Quảng trường Ba Đình; Nhà tù Hỏa Lò; Cầu Long Biên; Cột cờ Hà Nội; Tòa án Hà Nội; Chợ Đồng Xuân; Bốt Hàng Trống…
Khách tham quan trưng bày. Ảnh:hanoimoi.vn
|
Xem lại những hình ảnh, tư liệu về các di tích nổi tiếng của Hà Nội, nhiều kỷ niệm ùa về với những khán giả lớn tuổi. Ông Nguyễn Quốc Hưng, khách tham quan, chia sẻ: Tham quan các hình ảnh được trưng bày tại đây, tôi như được sống lại với những ký ức ngày xưa, thời mà Thủ đô Hà Nội còn nhiều khó khăn, gian khổ. Đọc những dòng ghi chú càng thêm hiểu, thêm yêu các di tích đó và thêm tự hào về truyền thống oai hùng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Mong rằng thế hệ trẻ ngày nay sẽ hiểu và góp sức cùng ông cha gìn giữ, bảo tồn những di tích này tới mãi muôn đời sau.
Đặc biệt, không gian trưng bày với cách thức mô tả sáng tạo con đường di sản, cùng những mạch nguồn uốn lượn, tạo điểm nhấn, góp phần giúp công chúng cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị và ý nghĩa của các di tích. Bạn Hà Vân Nhi, ở quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: Không gian bài trí ở đây rất bắt mắt, thu hút người xem. Em rất ấn tượng với các thông tin giới thiệu về các địa điểm. Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thường xuyên đi qua những di tích này nhưng em cũng chưa biết nhiều về lịch sử của nơi đó.
Trên mỗi tấm pano, những hình ảnh từ quá khứ đến hiện tại, những sự kiện lịch sử nổi bật gắn với công trình, di sản được tổng hợp, giới thiệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh giúp công chúng trong nước và nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin. Ông Đỗ Văn Năm, ở quận Long Biên, cho rằng: Giá trị nhất của trưng bày đó là những giá trị văn hóa cốt lõi đã cung cấp thông tin về cả người Hà Nội. Triển lãm đã tổng hợp lại, điều này giúp người dân Việt Nam cũng như những du khách nước ngoài đến Việt Nam có thể tìm hiểu về gốc gác các địa điểm. Những thông tin cơ bản này có thể thể hiện 1 điều là Hà Nội đã phát triển vượt bậc.
Ấn tượng với trưng bày, anh Brian, du khách Anh, cho biết: Những thông tin này thật thú vị. Chúng tôi vừa tham quan Cầu Long Biên. Bây giờ tới đây lại được tìm hiểu về lịch sử của cây cầu này. Cầu có lịch sử lâu đời nhưng có vẻ cũng không thay đổi nhiều, nhưng khung cảnh xung quanh cho thấy Hà Nội ngày nay rất phát triển.
“Một thoáng di sản” như sợi dây kết nối giữa hiện tại và quá khứ, truyền bá những giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 15/09, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là một trong những sự kiện ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).