(VOV5) - Đầu tư cho quảng bá văn hóa nội địa ra nước ngoài chính là tăng cường tiềm lực, "sức mạnh mềm" cho quốc gia.
Từ nhiều năm nay, hai tiếng “Việt Nam” ngày càng trở nên gần gũi, thân quen với nhiều bạn bè, du khách trên khắp năm châu bốn biển. Con số hơn 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 đã minh chứng phần nào về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam có sức hấp dẫn đối với nhiều người nước ngoài. Số lượng khách du lịch đến Việt Nam năm sau cao hơn năm trước một phần nhờ sự tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam đến người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đoàn nghệ sỹ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có chuyến lưu diễn tại Hàn Quốc đầu tháng 10/2019. - Ảnh: TTXVN
|
Nghe âm thanh tại đây:
Những ngày đầu tháng 10/2019, một đoàn nghệ sỹ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có chuyến lưu diễn 12 ngày tại Hàn Quốc, theo chủ trương tăng cường quảng bá văn hoá, xúc tiến du lịch tại thị trường Đông Bắc Á năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Mục tiêu của chuyến lưu diễn là tạo lên sự hiện diện liên tục của văn hóa Việt Nam tại nhiều thành phố của Hàn Quốc. Thông qua các lễ hội với lượng du khách đông đảo vào đúng vào mùa lễ hội của nước bạn, việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc sẽ lan tỏa tốt hơn.
Trước đó, ngày 27/9, Việt Nam, với tư cách khách mời danh dự, đã mang đến những sản phẩm văn hóa đặc sắc để giới thiệu với người dân Pháp và quốc tế tại Hội chợ quốc tế năm 2019 ở thành phố Metz, tỉnh Moselle, miền Đông nước Pháp. Ông Nghiêm Xuân Đông, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, cho biết: “Trong hội chợ này, chúng tôi tiến hành một loạt hoạt động văn nghệ của Nhà hát chèo Việt Nam và Nhà hát múa rối Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức một tuần phim Việt Nam, triển lãm tranh của các nghệ sỹ nổi tiếng của Hà Nội, các loại hình nghệ thuật truyền thống như tò he, thư pháp của Việt Nam tới đông đảo người dân Pháp.
Đầu tháng 4/2019, chi hội người Việt tại thành phố Ceske Velenice, Cộng hòa Czech đã tổ chức trình diễn văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam. - Ảnh: TTXVN |
Trong nhiều năm qua, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp từng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam và xúc tiến du lịch ở các hội chợ quốc tế tại Pháp, trong đó đã tham gia nhiều hội chợ quốc tế. Việc tham gia các hội chợ quốc tế chính là cơ hội quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa Việt Nam tới các tầng lớp nhân dân Pháp và cộng đồng quốc tế tại đây”.
Cũng tại châu Âu hồi cuối tháng 4/2019, chi hội người Việt tại thành phố Ceske Velenice, Cộng hòa Czech đã tổ chức sự kiện điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của Tháng văn hóa Việt Nam tại thành phố Ceske Velenice, trình diễn các tiết mục ca múa nhạc, các nhạc cụ và ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của nhiều người dân sở tại. Bà Eva Slovova, người dân thành phố Ceske Velenice, chia sẻ: “Tôi thấy sự kiện này rất là hay, tôi rất yêu quý con người Việt Nam, rất thích văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các món ăn và âm nhạc dân tộc của Việt Nam. Tôi cho rằng sự kiện như thế này nên tổ chức nhiều lần nữa trong tương lai”.
Với mong muốn đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, thời gian qua, ngành văn hóa phối hợp với ngành ngoại giao và đại sứ quán các nước đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: Ngày văn hóa, Tuần văn hóa Việt Nam, các lễ hội văn hóa-du lịch Việt Nam, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa-du lịch Việt Nam tại nước ngoài, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế lớn như EXPO, Biennale...
Nhiều địa phương cũng chủ động đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa ra nước ngoài, như: thành phố Hà Nội làm các phim quảng cáo ngắn giới thiệu lịch sử, di sản, văn hóa, con người Hà Nội phát sóng trên kênh CNN; tỉnh Quảng Bình xúc tiến, quảng bá hình ảnh Phong Nha-Kẻ Bàng tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood và tại New York Times Travel show 2019.
Về việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2019, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam, cho biết: “Thực hiện việc tăng cường quảng bá, giao lưu văn hóa du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch đến Việt Nam, đạt lượng du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có một loạt các chương trình ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản... Chúng tôi triển khai các cuộc hội thảo văn hóa, du lịch. Bên cạnh đó, những chương trình giao lưu văn hóa là các dấu mốc quan trọng”.
Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong việc quảng bá văn hóa ra thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, đầu tư cho quảng bá văn hóa nội địa ra nước ngoài chính là tăng cường tiềm lực, "sức mạnh mềm" cho quốc gia. Việc này được làm căn cơ, bài bản thông qua một chiến lược quảng bá văn hóa ra nước ngoài, trong đó chú trọng quan tâm giới thiệu những giá trị truyền thống đặc sắc đã làm nên diện mạo, hồn cốt văn hóa Việt; xây dựng những biểu tượng văn hóa quốc gia Việt, thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia Việt có tầm cỡ và đủ sức cuốn hút, lay động trái tim bạn bè quốc tế.
Một khi văn hóa Việt có chỗ đứng và chiếm lĩnh thị phần ngày càng cao trên thị trường văn hóa quốc tế, lúc đó văn hóa Việt không chỉ là một phần giá trị của văn hóa thế giới mà còn trở thành một trong những chuỗi giá trị toàn cầu và góp phần làm giàu sức mạnh nội sinh cho quốc gia, dân tộc Việt Nam.