(VOV5) - Theo thống kê, từ năm 2011 đến tháng 9/2014, Việt Nam có gần 56.000 lượt người nghiện được dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn với tổng số tiền là 10.756 tỷ đồng.
|
Học viên Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh học nghề sản xuất cửa nhựa lõi thép tại chỗ (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Sau khi người nghiện ma túy cai nghiện ở trung tâm trở về cộng đồng thì nguy cơ tái nghiện rất cao. Cho nên, các địa phương quan tâm đến công tác quản lý, có kế hoạch tiếp nhận, giúp đỡ người nghiện sau cai để nhanh chóng ổn định cuộc sống, có việc làm và giảm nguy cơ tái nghiện. Có việc làm để ổn định cuộc sống sau khi cai nghiện là nhu cầu thiết thực nhất của người sau cai nghiện.
Năm 2014, phường 5, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, không có thêm người nghiện và người tái nghiện. Ông Huỳnh Ngọc Hiền, phó chủ tịch phường 5, cho biết hiện phường đang quản lý 21 người sau cai nghiện và đa số đều có công việc ổn định. "Chính quyền rất quan tâm đến việc làm và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Lãnh đạo phường vận động các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhận những người cai nghiện thành công vào làm việc với những công việc phù hợp với khả năng của người sau cai nghiện để giúp họ hòa nhập cộng đồng. Mình phải quan tâm đến khả năng từng người, từ đó đề xuất hỗ trợ để họ có việc làm phù hợp, có thu nhập".
Chính quyền phường 5 cùng với cộng đồng dân cư đã sát cánh bên những người lầm lỡ trở về cộng đồng để kịp thời hỗ trợ về vật chất và động viên về tinh thần. Theo ông Hiền, để làm được việc này người cán bộ trước hết phải có cái tâm: "Chúng ta phải thực sự quan tâm thì mới nắm chắc hoàn cảnh của từng người để có những biện pháp hỗ trợ cho phù hợp. Nếu khi nắm chắc từng người thì mới biết được sở trường của họ từ đó biết được người ta thiếu cái gì, gia đình cần cái gì thì mình giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp thì sẽ giúp người ta cai nghiện thành công".
Việc làm chính là cơ hội để người sau cai nghiện làm lại cuộc đời. Có việc làm họ có cơ hội để lấy lại niềm tin với gia đình, bạn bè và xã hội. Điển hình là anh Võ Văn Sen, sinh năm 1978, ở xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bị nghiện năm 1999 khi vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Khi biết tin gia đình đã đưa anh về quê, gửi vào trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, sau khi cai nghiện từ trung tâm về, anh Sen lại tái nghiện. Đến năm 2006, sau khi cai nghiện lần 2, anh được gia đình và chính quyền xã hỗ trợ tín chấp để mở cơ sở sửa xe máy. Đến nay, cơ sở của anh Sen đã giải quyết việc làm cho 3 lao động, với mức tiền công 2,5 triệu đồng/tháng. Anh Sen chia sẻ: "Cũng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho tôi vay vốn, tôi được vay 20 triệu để kinh doanh và sửa xe máy. Bản thân mình phải quyết tâm tự vươn lên, trở thành người công dân tốt cho gia đình, xã hội. Khi mình hòa nhập với cộng đồng mình cố gắng tạo điều kiện cho bản thân, tạo điều kiện việc làm những người cùng hoàn cảnh với mình để có một công việc. Không có công việc rất bất ổn về tinh thần".
Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Lào Cai hơn 20 năm nay đã đồng hành cùng với những người công nhân lầm lỡ. Do nằm trên địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội nên một bộ phận nhỏ công nhân bị rủ rê lôi kéo vào con người nghiện ngập. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã không quay lưng mà luôn sát cánh động viên họ. Ông Bùi Văn Toán, trưởng phòng Bảo vệ, công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, cho biết: "Từng bước công ty tổ chức xét nghiệm và cho những người nghiện đi cai nghiện. Sau khi hoàn thành chương trình cai ở tại trung tâm cai nghiện tỉnh Lào cai về công ty làm việc bình thường. Công ty bố trí họ việc làm theo ca, theo ngày, quản lý để tạo điều kiện cho họ đảm bảo được việc làm, có thu nhập tại công ty".
Theo thống kê, từ năm 2011 đến tháng 9/2014, Việt Nam có gần 56.000 lượt người nghiện được dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn với tổng số tiền là 10.756 tỷ đồng. Nhiều xã phường trực tiếp đi liên hệ với doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ sửa chữa xe máy, bán hàng… tạo việc làm cho nhiều người sau cai nghiện. Nhờ đó, nhiều người sau cai nghiện đã có việc làm, ổn định cuộc sống hòa nhập với cộng đồng./.