(VOV5) - Tết Nguyên Tiêu là ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên, có nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của năm mới.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên Tiêu là một ngày lễ rất quan trọng, vừa để tưởng nhớ tổ tiên, vừa là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc.
Màn trình diễn múa lân leo giàn Mai Hoa Thung độc đáo tại Đêm hội Nguyên tiêu Xuân Quý Mão năm 2023. Đêm hội Nguyên tiêu là một hoạt động trong Lễ hội Tết Nguyên tiêu năm 2023 tại TP HCM. Ảnh: Thu Hương/TTXVN |
Tết Nguyên tiêu năm Quý Mão 2023 (5/2), các địa phương trên cả nước đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật… phục vụ như cầu của người dân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Nguyên tiêu được tổ chức trong 2 ngày 4-5/2 (14-15 tháng Giêng, năm Quý Mão), với nhiều nội dung, như: Đêm thơ Việt Nam; lễ hội Nghinh ông quan thánh xuất du; đấu thỉnh đèn lộc; tuần lễ ẩm thực Việt-Hoa; triển lãm mỹ thuật, tranh thủy mặc, thư pháp;… Tâm điểm của Lễ hội là lễ diễu hành nghệ thuật đường phố. Các diễn viên hóa trang thể hiện phong tục tập quán của các nhóm ngôn ngữ người Hoa, kết hợp biểu diễn lân sư rồng, phèn la, xiếc… diễu hành trên các đường phố chính tại Quận 5. Hơn 30 năm được duy trì và tổ chức, Lễ hội Nguyên tiêu được đưa vào trong chuỗi sự kiện văn hóa đón tết cổ truyền dân tộc (Tết Nguyên đán) và là một trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Trương Thanh Tuấn, ở Quận 6, cho biết: "Rằm tháng Giêng có ý nghĩa đối với người Hoa là Tết trăng tròn đầu tiên của năm và là cái Tết rất quan trọng. Nó có nghĩa là nhìn mặt trăng tròn để cầu mong một năm vẹn tròn vạn điều. Lễ hội Tết Nguyên tiêu, tôi thấy không những dân tộc Hoa mà thấy những dân tộc khác ở Thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng rất là nhiều. Điều đó cũng góp phần duy trì mối tình đoàn kết của các dân tộc Việt Nam".
Sáng 5/2, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, diễn ra hoạt động diễu hành dịp Tết Nguyên tiêu và nhiều sự kiện văn hóa chào mừng Tết Nguyên tiêu của Hội An được công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia và lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Là một trong những lễ hội quan trọng có từ lâu đời ở Hội An, giá trị đặc trưng của Tết Nguyên Tiêu ở Hội An là kết quả của quá trình giao thoa giữa các nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa. Đây là dịp để người dân phố Hội bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, các vị thần, tiền nhân... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dịp này, thành phố Hội An tổ chức nhiều chương trình đặc sắc, như: Đêm phố cổ; Đêm thơ Nguyên tiêu; Lễ cúng Nguyên tiêu, giỗ tổ Tiền hiền tại các hội quán; tổ chức một số trò chơi dân gian dành cho người dân và du khách...
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Chính quyền và người dân cần phải nỗ lực hơn nữa để những giá trị đó được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng dân cư, mà còn đến với bạn bè gần xa, góp phần xây dựng con người Hội An nhân tình thuần hậu; phục vụ các mục tiêu xây dựng thành phố theo định hướng Văn hóa - Sinh thái - Du lịch. Đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu “đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Tại Hà Nội, sáng 5/2, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 vào ngày Tết Nguyên tiêu xuân Quý Mão 2023 tại Hoàng thành Thăng Long. Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Ngày thơ Việt Nam 2023 được tổ chức với ước vọng hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp, khi đất nước đã vượt qua đại dịch COVID-19, cuộc sống bình thường trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới.