(VOV5) - Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học giúp học sinh có thêm cơ hội tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, tìm hiểu những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của thành phố mang tên Bác.
Việc xây dựng “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” đang được nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, nhằm tạo một môi trường học tập, trải nghiệm thực tế. Qua đó, các trường gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Học tập Bác Hồ một cách tự nhiên nhất
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1) được xây dựng trong khuôn viên thư viện. Không cứng nhắc, khô khan, giáo điều, không gian trưng bày những tư liệu, hình ảnh chân thực, giản dị về Bác Hồ. Qua từng trang tư liệu, đặc biệt là những mẩu chuyện về cuộc đời của Bác, học sinh dường như cảm nhận được sự dung dị, đời thường của vị lãnh tụ kính yêu.
Học sinh đọc sách tại Không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Ảnh: Vũ Hường |
Em Lê Tấn Dũng, lớp 10A1 chia sẻ, trước đây nghe nói đến “tư tưởng Hồ Chí Minh” thì nghĩ đó là những điều gì đó cao siêu mà em khó có thể tiếp cận. Nhưng khi được trực tiếp tìm hiểu những mẩu chuyện, bản tin ngắn hay những bài thơ của Bác được sắp xếp khoa học, ngay trong thư viện trường thì em thấy thật dễ hiểu, gần gũi. “Qua những tác phẩm đó em thấy được Bác không chỉ là một nhà cách mạng, một người nghệ sĩ, Bác cũng có khoảng không của riêng mình và có lúc trầm tư về cuộc sống”, Lê Tấn Dũng chia sẻ.
Còn Bảo Trân, học sinh lớp 11 chuyên Văn, học được rất nhiều từ Bác ngay trong những câu chuyện nhỏ. "Trong đó em có trích ra một bài học tâm đắc về việc học ngoại ngữ của Bác. Khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, khi làm việc trên con tàu, mỗi ngày Bác học thêm một từ mới, Bác ghi lên tay hay mảnh giấy vừa làm vừa học. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Bác vẫn học được thì chúng em phải cố gắng hơn nữa và có thêm động lực để học tập”, Bảo Trân bày tỏ.
Còn tại trường THPT Đào Sơn Tây (thành phố Thủ Đức), Không gian văn hoá Hồ Chí Minh được bố trí trưng bày như một bảo tàng thu nhỏ. Tại đây, các tư liệu chia thành các giai đoạn lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả tư liệu, hiện vật được chính cán bộ, giáo viên, học sinh của trường đóng góp và vận động đóng góp. Nhà trường cũng bố trí các thiết bị dạy học ngay tại khu vực này để thầy và trò có thể tham gia như một tiết học bình thường.
Vừa tham gia một tiết học Lịch sử tại không gian văn hoá này, được tận mắt đọc, hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ bằng những tư liệu thực tế, Minh Thy, học sinh lớp 10 trường THPT Đào Sơn Tây chia sẻ: "Khi ngồi học trong lớp em không có hứng thú bằng việc tìm hiểu ngay tại đây, em thấy dễ dàng tiếp thu hơn thay vì ngồi chỉ có nghe thầy giảng và không tìm hiểu được những thứ khác".
Nhiều cuốn sách về Bác được trưng bày theo từng chủ đề để học sinh có thể tìm đọc. Ảnh: Vũ Hường |
Tạo động lực sáng tạo trong dạy và học
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa còn có trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động ngoại khóa. Mỗi giáo viên cũng xây dựng, lồng ghép những bài học về Bác trong các trò chơi trực tuyến để truyền đạt đến học sinh nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Cô giáo Châu Hồng Phúc, giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân của trường cho biết, trước khi có Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, học sinh chỉ biết khi giáo viên dạy cho các em biết. Còn bây giờ có sách, hình ảnh, sẽ kích thích sự tò mò của các em. Đây cũng là cách để các em chủ động tìm hiểu về Bác.
Theo thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, việc triển khai Không gian văn hoá Hồ Chí Minh gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Điều này không chỉ tạo ra không gian cho giáo viên, học sinh tham quan, tìm hiểu mà còn tạo điều kiện để thầy cô sáng tạo hơn trong công việc của mình.
“Đây chỉ là khu vực trực quan cho giáo viên và học sinh thấy trong trường có Không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Từ đó, sẽ dẫn dắt tư duy và tư tưởng vào nội dung bài học, có thể tổ chức thành những buổi học tại khu vực này để một phần thay đổi không gian lớp học truyền thống, một phần tạo hứng thú và đưa Không gian văn hoá Hồ Chí Minh vào từng tiết giảng, vào từng bài học", thầy Nguyễn Minh cho biết thêm.
Còn trường THPT Đào Sơn Tây (thành phố Thủ Đức) thì tổ chức giảng dạy môn giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới trong không gian này. Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sắp tới trường sẽ có tích hợp ảnh hưởng tư tưởng của Người, học tập của Người đối với quá trình hình thành phát triển của đất Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh và kể cả thành phố Thủ Đức mới. Bởi vì thành phố mang tên Người nên tầm ảnh hưởng của Bác đến thành phố này rất nhiều, đó cũng là điều được dạy ở trường THPT ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Không gian văn hoá Hồ Chí Minh tạo sự tò mò và khuyến khích việc tìm hiểu về Bác ngay chính trong trường học. Ảnh: NTCC |
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh trong trường học được các trường thực hiện phù hợp với từng cấp học, bậc học. Nội dung trưng bày trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn gắn với các giá trị mà Thành phố đang hướng tới là xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình; gắn với giáo dục văn hoá học đường. Đây là nơi để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh học tập thường xuyên, liên tục.
Ông Trọng nhấn mạnh: “Việc xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục là một giải pháp đặc thù của ngành giáo dục đào tạo thành phố nhằm thực hiện Chỉ thị 08 của Thủ tướng. Qua đó hình thành môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng. Đặc biệt, góp phần hình thành các phẩm chất yêu nước nhân ái, chăm chỉ, trung thực trách nhiệm cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Bắt đầu triển khai xây dựng từ hơn một năm nay, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã có rất nhiều trường học các cấp có Không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Từ đó góp phần tạo môi trường học tập sinh động và hiệu quả, khuyến khích sự tự học, tự nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách gần gũi, thực tế nhất.