(VOV5) - Cùng với nỗ lực từ phía chính quyền, những năm qua, Thừa Thiên Huế cũng tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn hoá, lễ hội, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, dịch vụ.
Tại Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất có 7 di sản văn hóa được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh, trong đó có 5 di sản là của riêng Huế, còn 2 di sản chung với các địa phương khác. Ngoài ra, mảnh đất cố đô còn sở hữu 1 kho tàng di sản cấp quốc gia phong phú, độc đáo. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ca Huế, một sản phẩm văn hoá du lịch độc đáo của Thừa Thiên Huế, đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" năm 2015, một sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng, có giá trị lịch sử, văn hóa, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đi thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với vùng đất Cố đô. Du khách được ngắm nhìn cầu Trường Tiền, cảnh sắc thành phố đôi bờ về đêm; đắm chìm trong thanh âm của các loại nhạc cụ truyền thống, câu hát, điệu hò xứ Huế…
Du khách thích thú khi ngồi thuyền rồng, nghe ca Huế trên sông Hương - Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Thanh Toàn, du khách ở tỉnh Bắc Giang, thích thú khi cùng gia đình đi thuyền rồng, nghe ca Huế và thả hoa đăng trên sông Hương. Ông nói: "Trên du thuyền này, tôi được thưởng thức những nét văn hoá của Huế, như: các giai điệu, làn điệu của ca Huế. Đây chính là sản phẩm tinh thần truyền thống của nhân dân Huế đã lưu truyền đến tận bây giờ, giữ được tài sản văn hoá rất ý nghĩa, một nét Huế rất riêng".
Ngoài việc đưa ca Huế, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vào phục vụ du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng khai thác hiệu quả những di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh, như: Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt…Một trong những giải pháp khai thác hiệu quả nhất là thông qua việc tổ chức các kỳ Festival. Nhờ đó, nhiều hoạt động văn hoá dân gian mang đậm bản sắc văn hoá Huế đã được phục dựng, giúp công chúng và du khách biết đến văn hóa truyền thống nhiều hơn.
Biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế - Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nhìn nhận: "Trước đây, chúng ta mới chủ yếu quan tâm nhiều đến các di sản vật thể (di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), mức độ đầu tư cho di sản phi vật thể, di sản tư liệu (cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích) ít hơn rất nhiều so với những gì lẽ ra nó được có. Giờ đây, không chỉ đầu tư cho việc bảo tồn mà chúng ta cần chú ý phát huy giá trị di sản một cách hợp lý. Trong đó, vấn đề rất quan trọng là đầu tư cho hệ thống thiết chế để khai thác giá trị di sản. Chúng ta tạo ra các môi trường để khai thác, như: các trung tâm, các bảo tàng, thư viện, nhà hát,… Du khách khi đến Huế cần có nơi để xem, chiêm nghiệm, thưởng thức những giá trị văn hóa của di sản".
Cùng với nỗ lực từ phía chính quyền, những năm qua, Thừa Thiên Huế cũng tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn hoá, lễ hội, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Nhiều chương trình, hoạt động xã hội hóa có quy mô lớn, đầu tư bài bản về cả hình thức lẫn nội dung, như: lễ hội ẩm thực “Kinh đô Ẩm thực Huế với Bốn phương”, các hoạt động của Festival, lễ hội ẩm thực đường phố…. Những hoạt động này tạo thêm nguồn lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, phục vụ sự phát triển của tỉnh.
Thừa Thiên Huế nỗ lực bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá thông qua các kỳ Festival - Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá Huế. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được địa phương hết sức quan tâm. Chúng tôi đang tiến hành các giải pháp để vừa làm tốt công tác bảo tồn nhưng đồng thời phải vừa phát huy được giá trị di sản, phát huy nền văn hoá truyền thống của Thừa Thiên Huế, xứng đáng trở thành Trung tâm văn hoá của cả nước".
Huế được biết đến với các danh hiệu “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”... Mới đây, tỉnh cũng được du khách lựa chọn là điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng, như: “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”... Việc cố đô Huế bảo tồn và phát huy các di sản truyền thống không chỉ góp phần lưu giữ giá trị của các di sản này mà còn tạo ra lợi thế phát triển du lịch đặc trưng cho địa phương.