Thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Trung Đông - Bắc Phi

(VOV5) - Đây là nội dung cuộc Tọa đàm về hợp tác lao động trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam và các đối tác Trung Đông –Bắc Phi, khai mạc sáng 5/11, tại Hà Nội. Việt Nam đang có khoảng 30 nghìn lao động làm việc tại các nước trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, vận tải, dịch vụ bảo vệ, dịch vụ khách sạn… cùng một số lượng đáng kể chuyên gia Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực y tế và giáo dục.

Thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Trung Đông - Bắc Phi - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các nước tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam và các đối tác Trung Đông –Bắc Phi. Ảnh: TTXVN



Trong hơn 30 năm qua, hàng nghìn lượt chuyên gia và người lao động Việt Nam đóng góp kiến thức và sức lao động của mình vào quá trình phát triển nhanh chóng của nhiều quốc gia Trung Đông - Bắc Phi, trở thành cầu nối của tình hữu nghị giữa hai bên. Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết: “Nhiều nước Trung Đông- Bắc Phi có tiềm lực kinh tế và đang phát triển năng động, trong đó có những nước đang đẩy mạnh đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar, Bahrain và Kuwait, có những quốc gia đang trong thời kì tái thiết như Iraq, Libya. Vì vậy, các nước đều có như cầu tiếp nhận lao động nước ngoài với số lượng lớn và ngành nghề đa dạng, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng cơ khí, dịch vụ du lịch… Thị trường lao động ở Trung Đông và Bắc Phi có tính chất mở, phù hợp với trình độ và điều kiện của người lao động Việt Nam vốn nhanh nhẹn, cần cù và thông minh. Các nước trong khu vực đang chú trọng cải thiện điều kiện làm việc và các qui định bảo vệ quyền lợi cho người lao động."

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Trần Nguyễn Tuyên cho rằng để phát triển thị trường lao động Việt Nam tại Trung Đông, Bắc Phi, chính phủ Việt Nam cần có chính sách dài hạn để thúc đẩy hợp tác lao động: “Cần phải có sự đổi mới cơ chế phối hợp quản lý lao động ở nước ngoài tại thị trường Trung Đông, Bắc Phi, trong đó tập trung vào các điểm sau: Các công ty khi ký kết hợp đồng với người lao động, làm việc với Bộ, cục quản lý và phải thông báo cho các đại sứ quán biết. Các nước Trung Đông-Bắc Phi với tiềm năng lớn như vậy thì khi đưa người lao động sang Trung Đông-Bắc Phi, chúng ta cần phải suy nghĩ đến hướng là phải có người đại diện công ty tại đây. Ví dụ tại Saudi Arabia có 15 nghìn lao động Việt Nam, nhưng hầu như các công ty đều không có đại diện người lao động Việt Nam ở đây.”

Buổi toạ đàm về hợp tác lao động giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi  kết thúc 2 ngày làm việc hiệu quả của Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi, mở ra những cơ hội hợp tác lớn không chỉ trong lĩnh vực lao động, mà còn nhiều lĩnh vực thế mạnh khác giữa 2 bên như thương mại, đầu tư, năng lượng và du lịch./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác