(VOV5) - Trong chiều dài của mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Cộng hòa Séc, đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam đang sống và làm việc ở Séc, cái tên Vasiljev đã trở thành niềm tự hào.
Tiến sĩ, nhà Việt Nam học Ivo Vasiljev, người được cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc ngưỡng mộ, trân quý vừa ra đi vào ngày 23/10/2016 ở thành phố Ceskebudejovice, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong trái tim những người Việt Nam yêu quí ông. Biết bao công việc, dự định dành cho cộng đồng người Việt ở đây của ông còn dang dở. Cuốn Đại từ điển giáo khoa Séc-Việt của ông và kĩ sư Nguyễn Quyết Tiến theo đúng lộ trình 6 tập, vừa mới xong tập 4, sách in chưa kịp ráo mực, ông đã ra đi! Về với xa xăm miền cực lạc, ông mang theo mình hình ảnh, con người của đất nước hình chữ S, nơi không sinh ra ông nhưng đã vun đắp lên trong ông nhiều khát vọng, nhiều ước mơ cống hiến và đặc biệt là tình yêu giữa con người.
|
Với ông Ivo Vasiljev, bộ đại từ điển giáo khoa Czech – Việt là kết tinh tình cảm của ông dành cho Việt Nam. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cách đây gần 2 năm, trong chuyến về thăm Cù Lao Chàm, tôi nhìn thấy ảnh của ông giữa những nhà khoa học Việt Nam. Đọc dòng chú thích tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vào những năm 1997 đến năm 2000 ông được mời trực tiếp tham gia công trình khai quật và nghiên cứu tàu cổ bị đắm tại vùng biển này. Dấu chân của ông đã in hầu như khắp đất nước Việt Nam nhưng có lẽ in đậm nhất vẫn là những dấu ấn trong các hoạt động xã hội. Với tư cách là một nhà Việt Nam học, ông đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp xây dựng, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác vô cùng quý giá của Chính phủ và Nhân dân hai nước Cộng hoà Séc và Việt Nam. Những lần gặp nhau, khi nhắc lại kỷ niệm những ngày ông được làm việc trong Phủ Chủ tịch, được làm việc bên Hồ Chủ Tịch, được dịch cho Bác, cho phái đoàn cấp cao của chính phủ Tiệp Khắc vào năm 1960 ấy ông như trẻ lại. Ông nhớ tới ly rượu Bác mang đến cho mình khi đang đứng ở một góc dành cho người phiên dịch. Cuộc hội ngộ may mắn và kỳ diệu này đã như ngọn lửa làm bùng lên khát vọng dịch cuốn“Nhật ký trong tù“ của Hồ Chí Minh trong ông. Giữa bộn bề công việc ông vẫn dành thời gian dịch tập thơ rất khó khăn này để đến năm 1985 trên kệ sách của những người yêu thơ nước Séc lại có thêm tập thơ của Hồ Chí Minh.
Trong chiều dài của mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Cộng hòa Séc, đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam đang sống và làm việc ở Séc, cái tên Vasiljev đã trở thành niềm tự hào. Những ai có may mắn được nghe ông nói chuyện về các đề tài từ cơm áo gạo tiền đến cách dạy dỗ con cái trưởng thành, hòa nhập tốt với xã hội đều ngạc nhiên về sự am hiểu sâu sắc về tiếng Việt của ông. Hầu như những hoạt động lớn của người Việt ở Séc đều có sự hiện diện của ông.
Khi tôi đang phụ trách một tờ báo, tháng 3 năm 2011 biết tin ông về thành phố Hồ Chí Minh để nhận giải thưởng Phan Chu Trinh, tôi gửi thư điện tử nhờ ông viết cho một bài về chuyến đi này. Nhận lời, ông viết cho tôi về một làng nghề có tên “Một thoáng Việt Nam” theo ông là có tiềm năng kèm theo những bức ảnh ông chụp rất đẹp cùng những người bạn của mình.
Trong những năm gần đây, làn sóng người Việt trong nước tràn sang mang theo những việc làm, hình ảnh không mấy tốt đẹp trong con mắt người dân bản xứ. Cùng với những nhà báo, nhà văn Séc có ảnh hưởng, có tầm nhìn nhân ái, ông cùng họ đã viết hàng loạt bài giới thiệu về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam nhằm không chỉ ủng hộ cho người Việt đang sinh sống ở đây mà còn góp phần tích cực và có hiệu quả cho quan hệ giữa hai dân tộc.
Trong lần gặp mặt khi ông cùng kĩ sư Nguyễn Quyết Tiến ra mắt tập 3 của bộ Đại từ điển Séc - Việt, tôi đùa: “Chú phải sống đến trăm tuổi mới được mất đấy nhé, người Việt ở đây cần chú lắm đấy”. Vừa ăn nem cuốn, ông vừa mỉm cười rồi phán với tôi: “Trăm năm trong cõi người ta” rồi bỏ lửng kèm cái nháy mắt đầy ngụ ý.
Ngày ông ra đi, trời bảng lảng gió trong cơ man xao xác vàng thu. Đời người quá ngắn trong thăm thẳm con đường lá rụng. Vẫn biết rồi ai cũng một lần đi về nơi ấy nhưng sự ra đi của ông khiến cho tất cả chúng tôi đau xót.
Còn lại với thời gian không chỉ những cuốn sách “Tìm hiểu di sản của người Việt cổ”, “Hồi ký về phương pháp dạy và học tiếng Việt”, “Đại từ điển giáo khoa Séc Việt”... và vô vàn những bài viết, bút luận, nghiên cứu của ông về con người, đất nước Việt Nam mà điều vĩ đại hơn ông đã tạo ra là: Tình anh em ruột thịt của một đại gia đình. Với chúng tôi, những người Việt đang sinh sống ở Cộng hòa Séc, ông chưa và sẽ không bao giờ mất mà chỉ như đi đâu đó, ngắn thôi, lại về, lại cùng nhau nâng ly cho cuộc đời dài mãi.