(VOV5) - Không chỉ đơn thuần là treo tranh lên và trưng bày, tại triển lãm “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” tổ chức tại bảo tàng Hà Nội, công chúng yêu nghệ thuật dân tộc được ngắm nhìn, hiểu thêm về nguồn gốc, quá trình thực hiện của từng dòng tranh dân gian.
|
Cô trò tham quan triển lãm |
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Ngoài việc nhìn ngắm những tác phẩm đặc sắc, người xem có cơ hội được trực tiếp nhìn ngắm từng công đoạn thực hiện như in, tạo bản khắc, tô màu của các dòng tranh: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng… ngay tại triển lãm. Đến với triển lãm, công chúng có dịp tìm hiểu thêm về sự giao thoa, tiếp biến cũng như nét riêng biệt của từng dòng tranh dân gian Việt Nam. Bài viết của phóng viên Nga Bắc.
Bức tranh dân gian Hàng Trống “Tứ Phủ công đồng” với kích thước lớn nhất từ trước tới nay có chiều rộng 1,4 m, chiều dài 1,8 m, là điểm nhấn đáng chú ý trong triển lãm “12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”. Nghệ nhân trẻ Lê Hoàn, con trai và là người nối nghiệp duy nhất của nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên, cho biết đây là một trong những bức tranh tiêu biểu của dòng tranh thờ Hàng Trống, phản ánh tín ngưỡng thờ đạo Mẫu của người dân. Ngoài bức “Tứ phủ công đồng”, tranh Hàng Trống còn tham gia triển lãm với bức Lý ngư vọng nguyệt. Theo anh Lê Hoàn, mỗi dòng tranh trong Triển lãm 12 dòng tranh tiêu biểu có nét đẹp riêng, phản ánh sự giống và khác nhau trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các vùng miền: "Ở trong Nam chủ yếu là thờ Phật, tranh thờ chợ Lớn và tranh Kính chợ Lớn. Còn ở miền Trung, tranh kính cung đình Huế thì mang hơi hướng cung đình Huế triều Nguyễn ngày xưa; tranh làng Sình chủ yếu là tranh chấn yểm, thờ xong, chấn xong là đốt nó như là thay cho vàng mã ngoài Bắc. Còn nét văn hóa ngoài Bắc thì có tranh thờ như Tứ phủ công đồng thờ về thờ đạo mẫu. Mỗi dòng tranh nó có sự riêng nhưng phục vụ chung cho tín ngưỡng dân gian Việt Nam".
|
Ván tranh khắc âm bản "Vinh Quy Bái Tổ " của dòng tranh Đông Hồ trên gỗ thị. (Ảnh: Lê Bích) |
12 dòng tranh dân gian tiêu biểu nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội, gồm: Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng, Tranh Hàng Trống, Tranh thập vật, Tranh làng Sình, Tranh đồ thế Nam Bộ, Tranh kính Nam Bộ, Tranh kính Huế, Tranh thờ miền núi, Tranh gói vải, Tranh thờ đồng bằng và Tranh Vải. Hơn 200 bức tranh và hiện vật tại triển lãm chỉ là một phần trong số 800 bức tranh dân gian mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội, góp nhặt từ nhiều năm nay. Một phần trong số đó là những bức tranh cũ được bà mua lại. Một phần khác được phục chế theo tư liệu đầu thế kỷ XX còn được lưu giữ hoặc rập lại trên những bản khắc cổ.
Bên cạnh đó, triển lãm kết hợp giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian của Bảo tàng Hà Nội như tranh và ván in tranh Hàng Trống; tranh thờ người Dao; tượng Phật cổ… kết hợp với hoạt động trình diễn vẽ tranh dân gian dành cho khách tham quan tại khu trưng bày. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng và truyền thông, Bảo tàng Hà Nội, cho biết bên cạnh những dòng tranh nổi tiếng, triển lãm lần này giới thiệu một số dòng tranh đã từng phát triển trong quá khứ: "Đây là lần đầu tiên những dòng tranh này được giới thiệu tại Hà Nội như tranh gói vải ở Nam Bộ, tranh thập vật và dòng tranh kính cung đình Huế. Đặc biệt chúng tôi cũng giới thiệu tranh Kim Hoàng, một dòng tranh của Hà Nội nhưng đã mai một và cho đến nay các ván khắc in tranh của tranh Kim Hoàng còn rất ít. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành phục chế các ván khắc này để dần dần đưa tranh Kim Hoàng đến với công chúng nhiều hơn".
|
Bày bán tranh dân gian xưa. Ảnh tư liệu |
Các nghệ nhân dân gian, các thước phim tư liệu trong triển lãm giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử phát triển tranh dân gian ở Việt Nam. Vào thời nhà Mạc (khoảng thế kỷ 16) tranh dân gian đã phát triển khá mạnh. Theo đà phát triển của nghề in và khắc gỗ ở Việt Nam, việc sản xuất tranh dân gian ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương, tập trung thành từng làng hoặc do từng hộ in riêng, được gọi theo địa danh hành chính, như: tranh Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh, tranh Hàng Trống, Hà Nội, tranh Nam Hoành, tỉnh Nghệ An, tranh làng Sình, Huế... Tranh dân gian được sử dụng nhiều vào các dịp Tết hay cúng lễ, phản ánh tín ngưỡng của người dân và ước mong về cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ tư nhân Hà Nội, bày tỏ mong muốn: "Mục đích của triển lãm lần này tôi muốn bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian Việt Nam. Bên cạnh bảo tồn thì phải phát triển hơn nữa chứ không thì chỉ bảo tồn không thì tranh dân gian nó cũng dần mai một. Một bức tranh mình không nghiên cứu thì mình chỉ thấy nó đẹp chứ mình không thấy được giá trị văn hóa hay giá trị tín ngưỡng ở mỗi bức tranh".
Với sự hội tụ cùng lúc 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam cũng như tranh thờ miền núi, triển lãm cho thấy sự đa dạng, phong phú của các dòng tranh dân gian. Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội và dự kiến kéo dài đến đầu năm 2017 nhằm giới thiệu với đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội và khách quốc tế nét độc đáo của tranh dân gian Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.