(VOV5) - Cuốn sách có gần 100 bức ảnh màu ghi lại những khoảnh khắc chân thực và sinh động của việc thực hành Tín ngưỡng.
Sáng 13/1 tại Viện Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Thần điện và nghi lễ”, nhân dịp xuất bản cuốn sách Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực do Thạc sĩ Trần Quang Dũng – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội chủ biên.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các tác giả, các vị trụ trì, đồng đền… và đông đảo khản giả.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực là một cuốn sách nghiên cứu được chia làm ba phần chính: Phần 1 Chốn linh thiêng bên cạnh việc giới thiệu một cách rõ ràng, súc tích, cô đọng về thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, cuốn sách còn giới thiệu khái quát về các lớp tín ngưỡng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, như tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, thờ Tứ vị Hồng Nương, thờ các vị Chúa Bà.
Phần 2 Thiêng nơi cõi thực là phần nội dung được xây dựng từ chia sẻ của các đồng đền, thanh đồng, cung văn nổi tiếng về những nghi lễ đặc sắc trong thực hành Tín ngưỡng, trong đó, có thể tìm thấy rất nhiều chỉ dẫn cụ thể, từ nghi lễ đội bát nhang, tôn nhang bản mệnh, đến khăn áo, hoa man tài mã và lễ vật cúng tiến trong hầu đồng…
Phần 3 Về nơi của thánh, là kết quả quá trình điền dã suốt hàng chục năm của chính tác giả, trong đó không chỉ cung cấp thông tin cơ bản về các đền, phủ quan trọng, như địa chỉ, số điện thoại, lễ hội/ ngày tiệc để bạn đọc dễ dang tìm hiểu, tra cứu, mà còn ghi lại các tuổi đội bát nhang, bài văn khấn nôm để kêu cầu khi đi lễ ở các đền, điện, phủ của Tín ngưỡng.
Cuốn sách còn có gần 100 bức ảnh màu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng, ghi lại những khoảnh khắc chân thực và sinh động của việc thực hành Tín ngưỡng.
Trong tác phẩm, tác giả đã viết: “Điểm khác biệt cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ mà chúng ta nói đến ở đây so với các lớp tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần trước đó là ở hệ thống thần điện được bố trí tương đối hoàn chỉnh theo ‘Tam tòa’ (ba tòa Thánh Mẫu), ‘Tứ phủ’ (bốn phủ: Thiên, Địa, Thoải, Nhạc; trong đó, ‘Thoải’ là cách đọc chệch đi của ‘Thủy’). Các ‘phủ’ thể hiện quan niệm, nhận thức của người Việt về thế giới với bốn miền: Trời (Thiên), Đất (Địa), Nước (Thoải), Rừng (Nhạc)."