(VOV5) - Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng chung sống, với nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đa dạng, phong phú.
Với mục tiêu giữ gìn, khôi phục các nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc, tỉnh Sơn La luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Huyện Vân Hồ là địa bàn sinh sống của 5 dân tộc. Mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng, tạo nên một bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc. Vào những ngày lễ hội, Vân Hồ luôn rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống, những làn điệu dân ca, múa xòe của các thiếu nữ dân tộc. Thời gian qua, huyện luôn chú trọng công tác bảo tồn, trùng tu các di tích; đồng thời, tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa.
Các hoạt động tại Lễ hội Hết Chá. Ảnh: dangcongsan.vn |
Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết: “Huyện Vân Hồ đang hỗ trợ để phục hồi các câu lạc bộ, các đội văn nghệ truyền thống, vừa bảo tồn văn hóa vừa phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống, như: làm giấy dó, làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề vẽ tranh bằng sáp ong, của đồng bào dân tộc Dao; hay là khôi phục các lò rèn, các cơ sở để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương.”
Tại huyện Mộc Châu, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được gắn với phát triển kinh tế du lịch. Hằng năm, huyện đã tổ chức phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống đặc sắc, như: Lễ hội Hết Chá (Lễ hội tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành và cũng là lễ hội đoàn kết cộng đồng), ở xã Đông Sang, Lễ hội cầu mưa ở xã Mường Sang...
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UNDN huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: “Lễ hội Hết Chá ở xã Đông Sang đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Huyện Mộc Châu xác định đây là nét văn hóa truyền thống rất đẹp của người Thái trắng, xã Đông Sang, chính vì vậy mà chúng tôi duy trì hằng năm để người dân luôn thấy tự hào về cái nét văn hóa. Đây cũng là cách để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái trắng.”
Thành phố Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Thái, với nhiều nét văn hóa độc đáo. Hằng năm, thành phố đã tổ chức các lễ hội, như: Lễ hội mùa hoa ban; Lễ hội Hạn Khuống (Hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian; là nơi vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ và là nơi để các tràng trai, cô gái trao đổi tâm tình, yêu nhau), Hội diễn nghệ thuật quần chúng... nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và khai thác tiềm năng phục vụ phát triển du lịch. Thành phố Sơn La đề ra mục tiêu thành lập 11 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái; đẩy mạnh truyền bá và phổ biến các điệu Xòe Thái cổ; đồng thời, các xã, phường khôi phục các làng nghề truyền thống, như: mây tre đan, dệt thổ cẩm; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.
Nghi lễ Pang A của người La Ha (Thày Lễ thực hiện nghi thức vẩy nước cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi). Ảnh: dangcongsan.vn |
Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La, cho biết: “Thành phố đã xây dựng Đề án riêng về lĩnh vực văn hóa và đặt ra 10 nhiệm vụ cơ bản. Trong số đó, nổi bật là việc phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống; bảo tồn giữ gìn tiếng nói và chữ viết với việc huy động sự vào cuộc của những nghệ nhân, những người có rất nhiều tâm huyết đối với việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái.”
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động, như: trình diễn và trải nghiệm nghệ thuật khèn của người Mông huyện Mộc Châu tại Thành phố Sơn La; in và phát hành 4.000 tập gấp giới thiệu về 02 di sản văn hóa phi vật thể về nghệ thuật xòe Thái và nghi lễ Pang A của người La Ha. Tỉnh cũng mở 2 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật khèn Mông cho 60 học viên là học sinh người Mông tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ; Tổ chức 6 cuộc ngoại khóa giới thiệu về nghi lễ cúng dòng họ của người Mông cho học sinh các huyện Phù Yên, Thuận Châu... Những việc làm này giúp phổ biến, tuyên truyền đến bà con các dân tộc trên địa bàn về việc sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết: “Ngành văn hóa đã tham mưu cho tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành liên quan để phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch, tương hỗ cho nhau để phát triển. Đặc biệt là phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể. Đối với văn hóa vật thể, tập trung để tôn tạo, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh, để tạo thành điểm tham quan du lịch. Đối với văn hóa phi vật thể, tổ chức các lễ hội truyền thống các hoạt động văn hóa văn nghệ hay phát triển các đội văn nghệ dân gian, vừa bảo tồn, phát huy, vừa phục vụ cho công tác phát triển du lịch; hay phát triển du lịch cộng đồng thì gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.”
Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa xã, các nghệ nhân, người có uy tín... nhằm nâng cao năng lực truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động trình diễn văn hóa, hướng tới xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, xây dựng hình ảnh văn hóa Sơn La giàu sức hút đối với du khách.