(VOV5) - Tọa đàm “Câu chuyện tiếng Tơ” diễn ra sáng 30/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ).
Quang cảnh tọa đàm. |
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, họa sĩ và thiết kế thời trang giới thiệu về lịch sử nghề dệt lụa tơ tằm Việt Nam, các giải pháp bảo tồn và phát triển nghề. Lụa là một loại vải mịn, mỏng được dệt bằng tơ. Loại lụa tốt nhất được dệt từ tơ tằm. Dệt tơ lụa vốn là nghề cổ truyền ở Việt Nam, có từ thời Vua Hùng thứ 6. Theo các nhà nghiên cứu, thời Lê Trung hưng (khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII) là thời hưng thịnh nhất của tơ lụa Việt Nam. Khi đó, các thương nhân châu Âu đến kinh thành Thăng Long, phố Hiến và Hội An để mua tơ lụa với số lượng lớn. Lụa tơ tằm hiện diện trên nhiều mặt trong đời sống xã hội của người Việt, có trong âm nhạc, hội họa, văn học, thời trang…
Nhân dịp này, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu các công đoạn, quy trình ươm, dệt lụa tơ tằm và tơ Sen. Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi giới thiệu về về trang phục cung đình và tinh hoa nghề dệt lụa tơ tằm trang phục cung đình. Bên lề tọa đàm còn có triển lãm lụa tơ tằm và tơ sen của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận.