(VOV5) - Nếu võ cổ truyền của Bình Định là di sản văn hóa được du khách trong và ngoài nước biết tới thì không gian văn hóa cồng chiêng của khu vực Tây Nguyên cũng là những kiệt tác được bạn bè quốc tế quan tâm.
Sự đa dạng về văn hóa ở các vùng miền, với nhiều lễ hội và những di sản có giá trị đã giúp Việt Nam giới thiệu được hình ảnh đặc trưng của mình tới bạn bè quốc tế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dải đất miền Trung đầy nắng gió trong mắt du khách với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó là một kho tàng quý báu các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống như ca Huế, nhã nhạc cung đình Huế, rồi bài chòi ở các tỉnh miền Trung…
Chính vì thế mà du khách sẽ không xa lạ với tên gọi “Con đường di sản miền Trung”. Mảnh đất võ Bình Định, cái nôi của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Nơi đây còn là địa chỉ đặc trưng của Văn hóa Chăm. Những sản phẩm văn hóa của Bình Định đang được chính quyền tỉnh tập trung khai thác để giới thiệu cho du khách.
Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định cho biết: “ Bình Định phát triển du lịch sau nên Bình Định cạnh tranh ở hướng khác. Lấy đặc trưng văn hóa là điểm nhấn đưa ra sản phẩm của mình. Xác định thế mạnh là văn hóa võ, võ cổ truyền, tháp Chăm, lịch sử và phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Đặc biệt võ cổ truyền được công nhân là di sản phi vật thể quốc gia. Xác định võ cổ truyền tạo ra nét đặc trưng hoặc tuồng, văn hóa Chăm. Từ đó, thu hút khách thông qua sản phẩm đặc trưng”.
Các môn sinh quốc tế diễn võ cổ truyền ở chùa Long Phước (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: news.zing.vn |
Nếu võ cổ truyền của Bình Định là di sản văn hóa được du khách trong và ngoài nước biết tới thì không gian văn hóa cồng chiêng của khu vực Tây Nguyên cũng là những kiệt tác được bạn bè quốc tế quan tâm. Mảnh đất Tây Nguyên còn là nơi chứa đựng nhiều lễ hội của các dân tộc với những bàn trường ca nổi tiếng ca ngợi những nét văn hóa và các phong tục của người dân nơi đây.
Chính vì thế, mà từ nhiều năm nay, chính quyền tỉnh Đắc Lắc luôn quan tâm để gìn giữ và tôn tạo những di sản văn hóa này để giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Đúng như ông Y Vái Buôn Giá, nguyên giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch Đắc Lắc có lần chia sẻ:“ Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại, cần phải được bảo tồn.
Tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, tổ chức buổi giao lưu và phục dựng các lễ hội của đồng bào, trong đó có lễ hội cồng chiêng. Cấp chiêng cho các nhà văn hóa cộng đồng để các buôn Ê đê sử dụng phục dựng lễ hội. Quan tâm nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng. Tại các quán cà phê cũng đánh cồng chiêng cho người dân đến tham quan”.
Then nghi lễ của người Tày Quảng Ninh đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: báo Quảng Ninh
|
Một Việt Nam thân thiện, một điểm đến an toàn là những gì mà bạn bè quốc tế đánh giá khi đặt chân tới Việt Nam. Phong cảnh đẹp, con người thân thiện đã giúp cho du khách hiểu được về văn hóa Việt qua những di sản, những lễ hội cùng nhiều phong tục truyền thống.
Đó cũng điểm mạnh và đặc trưng của Quảng Ninh, địa chỉ của nhiều thắng cảnh nổi tiếng thế giới mà bà Đỗ Thị Hoàng Phó Bí thư tỉnh ủy giới thiệu sau đây: “Quảng Ninh có lợi thế là vùng mở đất và biên thùy nhiều triều đại có di tích lịch sử, giá trị lịch sử, di tích Bạch Đằng, di tích Yên Tử, nơi duy nhất Việt Nam có thiền phái trúc lâm Yên Tử. Các di tích thời nhà Lê, thương cảng xa xưa của Vân Đồn. Trước nay mọi người biết đến di sản Vịnh Hạ Long và chúng tôi khai thác tiếp Vịnh Bái tử Long. Hoạt động liên quan văn hóa người bản địa, sinh hoạt đánh bắt cá, đưa thuyền, cưới xin trở thành sản phẩm du lịch”.
|
Xu thế hội nhập sâu rộng đã hỗ trợ cho các địa phương của Việt Nam tìm cho mình những hướng đi, những cách làm mới hơn để giới thiệu hình ảnh của mình ra nước ngoài. Ví dụ nói tới Đà Nẵng, bất kỳ ai cũng biết đây là địa chỉ của các cuộc thi pháo hoa quốc tế. Hoạt động này đã giúp cho Đà Nẵng thúc đẩy ngoại giao văn hóa phát triển. Ông Nguyễn Công Tiến phó Giám đốc Sở ngoại vụ Đà nẵng cho biết: “ Hoạt động ngoại giao văn hóa như trình diễn pháo hoa quốc tế, tham gia đua thuyền thế giới trong 11 tháng. Hàng năm đón các đoàn nhà báo quốc tế đến thăm và quảng bá, giới thiệu cho bạn bè quốc tế về Đà Nẵng”.
Không chỉ tự quảng bá cho mình, Đà Nẵng còn thông qua các phương tiện truyền thông ở trong nước và quốc tế để truyền tải thông điệp hòa bình ra thế giới. Chắc chắn đó cũng sẽ là giải pháp mà nhiều tỉnh, thành khác sẽ thực hiện để nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người, mà còn tỏa sáng ở nước ngoài.