Tối cuối tuần thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại Hà Nội

(VOV5) - Nghệ thuật truyền thống là một phần quan trọng góp phần hình thành nên nền văn hóa của một đất nước. Trong thời đại ngành công nghiệp giải trí phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, những sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng trong lòng mỗi khán giả, không chỉ trong nước mà còn bè bạn quốc tế. Tại Hà Nội, vào mỗi tối cuối tuần, những sân khấu ấy vẫn được duy trì, không chỉ truyền đạt thông điệp văn hóa tới khán giả mà còn là nơi duy trì ngọn lửa đam mê nghệ thuật của các nghệ sỹ thủ đô. 

Tối cuối tuần thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại Hà Nội - ảnh 1
Biểu diễn chầu văn trên phố cổ (Ảnh: phapluatplus.vn)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Bốn năm qua, cứ tối thứ 6 hàng tuần, Nhà hát chèo Kim Mã, tọa lạc trên đường Kim Mã, lại đỏ đèn, đón khán giả tới thưởng thức nghệ thuật. Mỗi tuần, khán giả lại được thưởng thức những sân khấu nghệ thuật truyền thống khác nhau, đa sắc màu văn hóa Việt Nam. Từ các vở chèo cổ cho tới những tiết mục ca hát dân gian như hát xẩm, hát chầu văn, hát cửa đình... được các thế hệ nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Việt Nam luân phiên thể hiện để giới thiệu cho khán giả Hà thành, công chúng yêu chèo và cả các khán giả nước ngoài. Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, giới thiệu: "Trong tháng, chúng tôi có 2 đoàn nghệ thuật biểu diễn luân phiên với sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sỹ. Chúng tôi có chương trình 1 tiếng đến 1 tiếng 15 phút dành cho khán giả Việt Nam, còn với khách nước ngoài thì chúng tôi có chương trình 30 phút hoặc dài hơn là chương trình 45 phút dành cho những người nước ngoài nghiên cứu sâu về chèo".


Tối cuối tuần thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại Hà Nội - ảnh 2
Một tiết mục biểu diễn ở Nhà hát chèo Kim Mã


Trong 5 chương trình biểu diễn, mỗi buổi, các nghệ sỹ giới thiệu một trích đoạn chèo nổi tiếng, sân khấu được dàn dựng theo đúng hình thức chiếu chèo truyền thống, thể hiện đủ các sắc màu, lối diễn của chèo. Nếu như các vở diễn kinh điển có ông trùm chèo dẫn tích, thì ở sân khấu giới thiệu những điệu hát chèo lại do đào kép dẫn tích. Bên cạnh đó còn có sân khấu hề chèo với các trích đoạn như "Hề đấu đá", "Xã trưởng mẹ Đốp", "Phù thủy sợ ma", "Thầy bói đi chợ"...


Sân khấu chèo cuối tuần ở thủ đô được Nhà hát Chèo Việt Nam triển khai không chỉ nhằm mục đích để người Việt Nam ở mọi lứa tuổi đều yêu chèo mà còn hướng đến việc giới thiệu, quảng bá nghệ thuật chèo tới các du khách nước ngoài khi đến với thủ đô Hà Nội. Những năm gần đây, Nhà hát còn có nhiều đổi mới để khán giả quốc tế có thể tiếp cận và tìm thấy sự thú vị khi thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Mỗi tiết mục biểu diễn đều được dịch ra các thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật Bản... để phục vụ khán giả nước ngoài. Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Ngoan cho biết: "Chúng tôi dịch vở diễn bằng cách tóm tắt nội dung một cách sơ lược nhất để khán giả hiểu được xuất xứ của nghệ thuật chèo. Và trong đêm diễn, chúng tôi có dịch một cách bao quát nhất nội dung vở diễn, còn lại để cho khách quốc tế cảm nhận qua phần biểu diễn của nghệ sỹ. Đặc trưng sân khấu của nghệ thuật chèo là hát, múa và diễn. Chính vì đặc trưng rất riêng như vậy mà khán giả sẽ có cảm nhận riêng từ người nghệ sỹ biểu diễn hát, múa, diễn để họ đồng cảm, hiểu hoặc có những nhận biết về văn hóa Việt trong đó. Chúng tôi còn có 15 phút để nghệ sỹ tương tác với khán giả trước hoặc sau vở diễn". 


Tối cuối tuần thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại Hà Nội - ảnh 3
Một tiết mục biểu diễn ở Nhà hát chèo


Còn tại khu phố cổ, ở ngã tư các phố Đinh Liệt - Hàng Bạc - Tạ Hiện, Rạp Chuông Vàng là điểm đến lý tưởng cho những người thích tìm hiểu các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng các vùng miền ở Việt Nam vào mỗi tối thứ 7. Sân khấu “Giới thiệu văn hóa các vùng miền Việt Nam” từ khi khiển khai đến nay luôn được đông đảo công chúng đón nhận. Ở mỗi tiết mục, khán giả được xem minh họa vị trí của địa phương trên bản đồ Việt Nam, nơi xuất xứ của hình thức diễn xướng, tiết mục biểu diễn... Từng tiết mục cũng được đầu tư kỹ lưỡng từ dàn dựng cho diễn viên đến phông cảnh trên sàn diễn. Điều đặc biệt hấp dẫn khán giả là tại đây họ còn được thưởng thức cải lương, loại hình sân khấu đặc trưng của vùng đất phương Nam, ngay giữa lòng thủ đô.


Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, cho biết:
 "Chúng tôi giới thiệu bản Dạ cổ hoài lang của soạn giả Cao Văn Lầu. Đây là bản đầu tiên, gốc của cái lương hiện nay. Chúng tôi cũng giới thiệu một số điệu lý vui tươi, thể hiện những nét sinh hoat, văn hóa của các vùng Đồng bằng Bắc bộ, hay các bài ca về đất phương Nam, một số tiết mục của các đồng bào Tây nguyên, Chăm... để khi xem khán giả có thể cảm nhận được một chút nét văn hóa của vùng đất đó. Các điệu múa, nhảy chúng tôi cố gắng thể hiện mang tính chất nguyên bản, cũng có nghệ thuật hóa nhưng chỉ có mức độ để khán giả thấy được sự mộc mạc nguyên bản của các điệu múa Việt Nam. Trong chương trình 60 phút, chúng tôi giới thiệu được khái quát các nét văn hóa nhưng đã để lại trong tâm trí của người xem là một chương trình nhẹ nhàng, ý nghĩa".


Tối cuối tuần thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại Hà Nội - ảnh 4
Một tiết mục của Nhà hát Cải lương Hà Nội



Giống như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng thực hiện dịch nội dung vở diễn, lời ca, điệu múa ra các thứ tiếng để hỗ trợ các khán giả nước ngoài hiểu thêm về các tiết mục. Đặc biệt, ở cuối chương trình, khán giả được cùng tham gia biểu diễn với các nghệ sỹ, đây là phần nhận được sự hưởng ứng tích cực của mọi người. Ông Trần Quang Hùng chia sẻ: "Trong tiết mục cuối cùng là múa sạp, chúng tôi cũng mời khán giả lên để giao lưu với các nghệ sỹ. Khi khán giả mua vé, chúng tôi đã xin địa chỉ e-mail của họ. Chúng tôi tổ chức chụp ảnh kỷ niệm cho khán giả và gửi qua e-mail của khán giả. Khi nhận được những tấm ảnh đó thì khán giả rất vui và thích".


Mỗi tối cuối tuần, những người yêu thích, tìm hiểu nghệ thuật truyền thống Việt Nam lại được thưởng thức những đêm diễn mang đậm màu sắc văn hóa của các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Qua mỗi tiết mục biểu diễn, người xem không chỉ có được những phút giây nhẹ nhàng, thư thái mà còn có cơ hội trực tiếp tiếp cận với các loại hình sân khấu truyền thống. Chính sự hưởng ứng nhiệt tình của các khán giả là nguồn cảm hứng để các nghệ sỹ tiếp tục duy trì và phát triển ngọn lửa đam mê, để từ đó cống hiến những bữa tiệc nghệ thuật đầy thăng hoa trên sân khấu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác