Trường dạy nghề đầu tiên của người Công giáo tỉnh Đồng Nai
Lan Anh -  
(VOV5) - Trường trung cấp nghề Hòa Bình tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, đang là địa chỉ thu hút học sinh trong tỉnh đến học nghề. Với phương châm “Thăng tiến con người toàn diện”, học sinh khi tốt nghiệp trường trung cấp nghề Hòa Bình có tay nghề cao, khả năng đáp ứng những yêu cầu của các doanh nghiệp. Không chỉ chú trọng tới chất lượng giảng dạy, thầy cô giáo trong trường còn xây dựng cho học sinh những kỹ năng sống vững chắc khi bước vào tuổi trưởng thành.
|
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trong khu xưởng học thực hành, dù là cuối ngày nhưng cả học sinh và thầy giáo của lớp mộc dân dụng vẫn say sưa hoàn thiện nốt sản phẩm là chiếc tủ đứng. Thầy Hùng cho biết các em ở đây được đào tạo kỹ cả về lý thuyết và thực hành, đảm bảo khi ra trường, tay nghề của 100% học sinh đều đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. "Trong lớp này có lớp 1 và lớp 2. Lớp 1 sắp sửa ra trường nói các em hiểu liền. Bước đầu từ bản vẽ của thầy trên lớp giờ xuống đây tự các em phải vẽ với tỷ lệ 1:1 trên tờ giấy thì mới hiểu được còn chỉ giảng không thì các em không thể hiểu được làm một cái tủ, cái ghế độ cong, độ ngả, độ nghiêng, làm mộng như nào. Mình lấy thông tin, công nghệ ở ngoài vào dạy" - thầy Hùng nói.
|
Ban giám hiệu Nhà trường: Linh mục Philipphê Trần Công Thuận, TS. Đoàn Liêng Diễm, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy, TS. Trịnh Thanh Toản |
Được học một cách bài bản, thầy cô giáo tận tâm truyền nghề nên trong những giờ học thực hành, các em tận dụng mọi thời gian để học. Nguyễn Đức Cảnh, học sinh lớp 2 chuẩn bị ra trường cho biết: "Thường 1 tuần bọn em học thực hành 4 buổi, còn lại là các giờ lý thuyết. Các môn học thường đan xen với nhau, học lý thuyết rồi mới đến thực hành, học xong môn nào là thi môn đấy. Từ năm ngoái đến năm nay bọn em học khoảng hơn 30 môn học. Từ hồi em vào đây học, thầy chỉ dẫn tận tình nên khi đi thực tập,các doanh nghiệp cũng đánh giá là em làm rất được. Nhà trường đều mời các thầy có trình độ cao về đây dạy và rất tận tâm và chúng em đa số tiếp thu rất tốt và có được trình độ tay nghề khá vững".
|
Các học sinh trong giờ học nghề mộc |
Trường trung cấp nghề Hòa Bình được xây dựng trên tổng diện tích 2,5 ha trực thuộc Ban Bác ái xã hội Caritas giáo phận Xuân Lộc. Trường được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống bằng cách đào tạo cho cho thế hệ trẻ có nghề nghiệp ổn định. Linh mục Nguyễn Văn Uy, Trưởng ban Bác ái xã hội caritas Giáo phận Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng trường trung cấp nghề Hòa Bình, cho biết: "Chúng tôi được phép của chính phủ để xây dựng trường trung cấp nghề Hòa Bình để đón nhận những em học sinh học hết lớp 9 không thể lên lớp 10 được vì hoàn cảnh nghèo hay có khó khăn nào đó, rồi những em lớp 12 mà không vào được các trường đại học, cao đẳng hay không có khả năng thì các em vào đây để học lấy một nghề cho cuộc sống mưu sinh của các em để rồi các em trở thành những con người có tay nghề, đã qua đào tạo để đóng góp vào với xã hội của mình".
|
Học sinh trường Hòa Bình thi tay nghề giỏi quốc gia |
Trường trung cấp nghề Hòa Bình xây dựng từ 2009 và năm 2011 bắt đầu khóa học đầu tiên và sắp sửa kết thúc năm học thứ 2. Hiện tại trường có gần 700 học sinh theo học thuộc 8 khoa nghề như: Công nghệ thông tin, may công nghiệp, kế toán công nghiệp, du lịch, điện dân dụng, điện lạnh, công nghệ ô tô và mộc. Hầu hết học sinh học tại đây hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà trường tạo mọi điều kiện để các em yên tâm theo học. Linh mục Nguyễn Văn Uy cho biết: "Trường trung cấp nghề Hòa Bình nằm trong Ban bác ái xã hội và phục vụ cho người nghèo. Do đó, học phí thấp hơn tất cả các trường khác để con nhà nghèo có thể tham gia. Ngoài ra, những cái khác như chỗ ở nội trú cũng hoàn toàn miễn phí do giáo phận xây dựng lên để cho các em đến học. Trường cũng không phân biệt là người theo đạo hay không theo đạo, miễn là các em nghèo mà đến đây học là tốt rồi".
|
Trong lớp học nghề nghiệp vụ nhà hàng |
Điều đặc biệt ở ngôi trường này là đội ngũ giáo viên có các linh mục, tu sĩ nam, nữ tham gia theo từng chuyên ngành. Linh mục Nguyễn Văn Uy cho biết trường còn mời các giáo viên giỏi ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, đến tham gia giảng dạy. "Chúng tôi cũng mời gọi những giáo viên đến đây để cùng với chúng tôi giáo dục và đào tạo các em. Nhưng mà các vị đó cũng thống nhất với chúng tôi về quan điểm là phục vụ cho người nghèo trong cộng đồng xã hội mình. Chương trình học các em rất là nghiêm túc, các thầy cô đến đây cũng mang tâm tình giúp đỡ cho người nghèo, đóng góp với xã hội, để quan tâm tới bộ phận nhân dân kém may mắn. Sau gần 2 năm hoạt động, mọi cái rất tốt. Và chúng tôi đang chuẩn bị cho các em khóa đầu tiên sẽ ra trường vào tháng 10 năm nay" - Linh mục Uy nói.
Trước khi chia tay chúng tôi, linh mục Nguyễn Văn Uy cho biết dịp hè này trường sẽ xây dựng thêm khu nhà xưởng để học sinh có chỗ thực hành rộng rãi hơn. Phương châm đào tạo của trường là: "Thăng tiến con người toàn diện". Có như vậy ngôi trường mang tên Hòa Bình mới đào tạo ra nhưng con người trí thức, con người nghề nghiệp và con người đạo đức để từ đó các em vững vàng bước vào đời, tự tin đóng góp xây dựng xã hội./.
Lan Anh