Tục xin chữ và cho chữ đầu năm

(VOV5) -  Trong những ngày đầu năm mới, cùng với nhiều phong tục cổ truyền, tục xin chữ, cho chữ là dịp khai bút đầu xuân, là nét đẹp văn hóa đang được giữ gìn và lưu truyền.

Ngoài ý nghĩa tốt đẹp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, những con chữ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn còn là món quà ý nghĩa, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng khi mọi người cùng nhau hướng tới vẻ đẹp chân - thiện - mỹ.

Tục xin chữ và cho chữ đầu năm - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Hà Nội đã quen gọi Phố Văn Miếu là phố Ông Đồ. Bên bức tường rêu phong, cổ kính của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các ông đồ khăn đóng áo dài thận trọng dồn hết tâm tư vào đường đi của từng nét cọ, thể hiện tài năng thư pháp của mình. Hòa trong quang cảnh đông đúc, náo nhiệt là niềm vui hân hoan của người đi xin chữ. Là người cho chữ ở phố ông đồ từ nhiều năm nay, ông đồ Nguyễn Thế Lục, ở Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: Các ông đồ không chỉ đơn giản là viết chữ, viết câu đối cho người xin chữ mà qua mỗi chữ viết ra còn có ý nghĩa giáo dục đạo đức, đạo làm người, nhất là với các cháu nhỏ: “Khi tôi cho chữ, mọi người thích chữ Phúc-Lộc-Thọ. Tôi nghĩ là phúc do tâm sinh, không có tâm thì đừng hòng mong được phúc. Cũng như học sinh cứ thích đỗ đạt, đăng khoa thì tôi viết cho chữ “Khổ học thì thành tài”. Vì vậy nói mua chữ là không đúng mà phải nói rằng đây là nghệ thuật chơi chữ ngày Xuân.”

Còn ông đồ Nguyễn Quốc Dũng, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: “Con người bao giờ cũng muốn vươn lên, muốn một năm mới tốt hơn năm trước. Người muốn cầu tốt lành thì tôi viết chữ bình yên. Đầu năm mọi người hay xin chữ Phúc, Phát tài, Lộc, Thịnh vượng, người già thì xin chữ Khang. Các đối tượng đến xin chữ đa dạng từ già tới trẻ.”

Khi nhịp sống ngày một hối hả, giao lưu văn hóa đầu xuân với việc xin chữ và cho chữ đã tạo nên giá trị văn hóa tinh thần nhân văn cao cả. Người xin chữ cũng đủ mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Người trung niên thường xin các chữ Tâm, Đức, Nhẫn; nam thanh nữ tú hay xin các chữ Danh, Duyên, Hiếu, Trung. Học sinh, sinh viên thường xin chữ Minh, Đăng Khoa, Trí tuệ. Mừng cho các cụ cao tuổi thì không thể thiếu chữ Phúc, Lộc, Thọ. Các doanh nhân thì thường mong chữ Lộc, chữ Tín, chữ Phát. Trên nền giấy hồng, giấy đỏ, là biểu tượng màu may mắn, tốt lành, tùy theo nội dung của chữ mà người viết bằng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất cho người đến xin chữ. Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, công việc, thể hiện mong ước cho một năm mới. Chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ: “Đầu năm, gia đình tôi đi lễ rồi đi xin chữ ở Văn Miếu, tạo một không khí phấn khởi cho cả năm. Xin chung cho cả gia đinh thì tôi thích chữ An với mong muốn có được sự bình an. Tôi thấy tục xin chữ đầu năm rất gần gũi, mang tính dân tộc.”


Những con chữ như rồng bay phượng múa hiện lên qua từng nét cọ điêu luyện, giúp người xin chữ có cơ hội được thưởng thức tài năng của người cho chữ.


Bạn Nguyễn Thị Ngân, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, cho biết: “Tôi thấy tục xin chữ đầu năm rất ý nghĩa. Tôi thường đi với bạn ra Văn Miếu để xin chữ đầu năm.”


Còn bạn Nguyễn Mai Anh, sinh viên trường Đại học Thăng Long, cho biết: “Tôi muốn xin chữ Tĩnh cho một năm mới mọi thứ được bình lặng, tĩnh tâm hơn. Tôi sẽ xin chữ Khang cho bố mẹ mình với mong muốn bố mẹ tôi sức khỏe dồi dào, vui vẻ bên con cái.”  


Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua. Hình ảnh ông đồ trong những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên gần 70 năm qua đã trở thành ký ức đẹp của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Hình ảnh thiêng liêng đó là tấm gương phản chiếu vẻ đẹp văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, thể hiện qua phong tục xin chữ, cho chữ vào dịp đầu Xuân đón chào năm mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác