(VOV5) - Cách thành phố Hải Dương khoảng 30km về phía Đông Nam, nằm bên dòng sông Luộc êm đềm thơ mộng, vùng đất Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vốn là miền quê có bề dày lịch sử văn hóa. Sự đa dạng và phong phú không chỉ về văn hóa tinh thần mà còn cả những sản phẩm văn hóa vật chất nổi tiếng được truyền tụng lâu đời đó là nghề làm bánh gai, một đặc sản gắn với tên đất, tên làng, mang đậm hồn quê truyền thống.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Nằm ở vị trị thuận lợi, tiện cả về giao thông, thuỷ, bộ, từ xa xưa Ninh Giang là mảnh đất trù phú, nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình ở tỉnh Hải Dương. Lịch sử Việt nam hàng ngàn năm cũng đã để lại cho vùng đất này một tài sản vô giá với hàng chục di tích lịch sử văn hóa. Ở Ninh giang có nhiều di tích Đền, Chùa mang dấu ấn lịch sử hàng trăm năm như: Chùa Chông ngôi chùa có hệ thống tượng Phật rất độc đáo. Đền thờ Khúc Thừa Dụ nằm giáp đê sông Luộc là công trình di tích với chiếc cầu đá, đến sân hội và các bức phù điêu ghép bằng các tảng đá lớn. Đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa nhằm tôn vinh người Anh hùng dân tộc có công đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ của Việt Nam sau 1.000 Bắc thuộc. Đến thăm Đền thờ Khúc Thùa Dụ trong ngày đầu xuân, Anh Nguyễn Thanh An, một du khách đến từ Hà Nội, bày tỏ cảm xúc: Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng phải nói ở Ninh Giang có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thanh bình. Hiếm có ở nơi đâu cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con người lại lại hài hoà như ở đây. Tôi rất thích các lễ hội nhất là khi được xem Hội thi pháo đất ở đây, nó khơi gợi truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha từ xã xưa và có lẽ đây là một trong những trò chơi dân gian cổ xưa nhất ở Việt Nam.
|
Đền Thờ Khúc Thừa Dụ |
Ở Ninh Giang có một di tích lịch sử văn hoá tâm linh, đó là Đền Tranh còn có tên gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, thuộc thôn Tranh Xuyên xã Đồng Tâm. Đền Tranh trước đây được xây dựng ở bên bờ sông Tranh. Trải qua nhiều thế kỷ, Đền Tranh đã được xây dựng lại gồm 3 toà, tiền đường, trung từ và hậu cung, mỗi công trình 7 gian, tổng số là 21 gian. Kiến trúc phỏng theo thời Lê và thời Nguyễn, đặc biệt trong Đền còn bảo lưu một số cổ vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan Lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200 Kg, 4 pho tượng Tứ Trụ bằng đá. Ông Nguyễn Thành Vạn, cán bộ Phòng văn hoá thông tin huyện Ninh Giang, cho biết: Theo tín ngưỡng địa phương Đền quan tuần Tranh thờ thuỷ thần sông, bởi trước đây ở những đoạn sông chảy qua Ninh Giang, dòng chảy thường tạo ra những dòng nước xoáy, thuyền bè đi lại bị lật cho nên họ cho rằng có vị thuỷ thần nổi giận do đó khi đền thờ được lập nên mọi người đều đem lễ vật đến cầu, may mắn đã đem lại cho họ, do vậy đền được coi là rất thiêng. Việc thờ Quan lớn Tuần Tranh cho thấy tín ngưỡng thờ thuỷ thần vẫn in đậm trong tiềm thức của người dân địa phương.
|
Đền Tranh |
Một năm Đền Tranh có hai kỳ lễ hội: Kỳ thứ nhất được tổ chức từ ngày mùng 10 đến 20 tháng 2 âm lịch. Kỳ thứ hai là từ ngày mùng 10 đến 20 tháng 8 âm lịch. Lễ hội Đền Tranh được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức với những nghi lễ trọng thể với các đội tế lễ ăn mặc rất đẹp mắt. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều khách thập phương trong, ngoài tỉnh đã tham gia lễ hội ngày càng nhiều, đem đến sự nhộn nhịp trong suốt thời gian Lễ hội.
Việc khôi phục lễ hội truyền thống ở Ninh Giang đã đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương. Việc tu bổ nâng cấp các di tích cũng đã góp phần đưa Ninh Giang là trở thành điểm du lịch văn hoá tâm linh, hấp dẫn ngày càng đông du khách đến với miền quê giàu truyền thống văn hoá này./.