(VOV5) - Sáng 3/12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức trao giải thưởng và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 8 tại Việt Nam (VN 15).
Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Phát động từ ngày 25/5/2015, tính đến ngày 17/9/2015, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 9.657 ảnh của gần 1.000 tác giả từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi đến tham dự.
Các tác giả đoạt Huy chương Vàng của FIAP. (Ảnh: HT)
Hội đồng Giám khảo chấm và chọn ra được 384 tác phẩm với đủ 3 bộ giải thưởng trong hệ thống (Giải của Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Giải của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế và Giải của Tổ chức Nhiếp ảnh không biên giới Pháp). Ở 4 chủ đề dự thi Hội đồng Giám khảo chọn ra được 65 tác phẩm xuất sắc để Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế trao giải. Cụ thể có 21 tác phẩm đoạt giải ở chủ đề Tự do, trong đó Việt Nam đoạt 1 huy chương vàng (tác phẩm Tuổi già của Trần Đình Thương). 20 tác phẩm đoạt giải ở chủ đề Phụ nữ và việc làm, trong đó Việt Nam đoạt 1 huy chương vàng (tác phẩm Nhặt thóc của Tống Trần Sơn). 12 tác phẩm đoạt giải ở chủ đề Khoảnh khắc thăng hoa, trong đó Việt Nam đoạt 1 huy chương vàng (tác phẩm Thăng hoa của Nguyễn Trung Kiên). 12 tác phẩm đoạt giải ở chủ đề tĩnh vật, trong đó Việt Nam đoạt cả 2 huy chương vàng (các tác phẩm Khép lại nỗi đau của Nguyễn Lê Phương; I’m sorry Mom của Nguyễn Vũ Phước).
Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cho rằng: “Lần này, các tác phẩm Việt Nam và nước ngoài có nét tương đồng về nội dung và quan điểm nghệ thuật. Tôi thấy lần này tất cả những bức ảnh về con người, thiên nhiên, sinh hoạt xã hội đẹp hơn. Xem ảnh xong, tôi có cảm giác thêm yêu cuộc sống và hạnh phúc hơn".
Theo Ban tổ chức, so với 7 kỳ tổ chức trước đó, tại VN-15 lần này, cuộc thi có nhiều nét mới. Đó là việc bổ sung hệ thống giải thưởng của Hội Hình ảnh không biên giới Pháp (ISF) bên cạnh hệ thống giải truyền thống của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) và Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP). Có thêm các chủ đề chuyên biệt và khó như “Phụ nữ và việc làm”, “Khoảnh khắc thăng hoa”; đặc biệt là chủ đề “Tĩnh vật” nhằm khuyến khích sức sáng tạo của các tác giả.