Việt Nam hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(VOV5) - Trong chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020, Chính phủ Việt Nam xác định: Nhân lực là nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội. Hệ thống các trường nghề Việt Nam có vai trò quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam tương đương các nước trong khu vực. 

 Việt Nam hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - ảnh 1

Ảnh minh họa

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Hiện nay, Việt Nam có 167 trường cao đẳng, 306 trường trung cấp và 875 trung tâm đào tạo khoảng 1.500 nghề. Trung bình mỗi năm, hệ thống các trường đào tạo nghề tuyển sinh được khoảng 200.000 học viên. Mạng lưới trường dạy nghề được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành phố xuống tới xã, đến các làng nghề và vào trong các doanh nghiệp... đã tạo cơ hội cho người lao động có nhu cầu học nghề tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề thuận lợi hơn. Giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 12 triệu người được đào tạo 34 nghề có khả năng thực hành ngang bằng lao động các nước phát triển. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề phát triển theo xu hướng xã hội hóa, cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập tăng nhanh, bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với chiến lược phát triển nhân lực và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết 70% học sinh, sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Nhưng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo: Thực hiện các giải pháp này thì cơ sở đào tạo cần có một tổ chức chịu trách nhiệm xúc tiến mối quan hệ với các doanh nghiệp. Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ vốn hoặc cung cấp thông tin cho nhu cầu đào tạo cho các cơ sở doanh nghiệp, bởi vì mỗi cơ sở đào tạo, mỗi doanh nghiệp chưa chắc đã nắm được nhu cầu đào tạo một ngành nghề nào đó hoặc một mảng lĩnh vực nào đó,cho nên cần phải được cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước.

10 năm trở lại đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, viện nghiên cứu và doanh nghiệp xây dựng được 164 chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và hàng trăm chương trình dạy nghề ngắn hạn. Nhiều trường còn chủ động tham khảo chương trình dạy nghề của nước ngoài, giúp học viên nâng cao năng lực sử dụng hiệu quả các thiết bị và công nghệ hiện đại. Trước nhu cầu rất cao của thị trường lao động ở Đồng bằng Sông Cửu Long, các trường Cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các cơ sở dạy nghề ở tất cả các tỉnh, thành phố trong khu vực đã hình thành sự kết nối cung và cầu giữa doanh nghiệp với nhà trường, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong vùng. Chiến lược của hệ thống trường nghề trong toàn vùng chú trọng phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ tại các địa phương; chuẩn hóa giáo viên trường nghề và việc cập nhật kiến thức, tự học của lực lượng lao động. Phó Giáo sư,Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh là trường đầu tiên ở khu vực phía Nam khánh thành 1 trung tâm dạy học trực tuyến. Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho nhà trường 250 ngàn đô la để có phòng trang bị camera 3D. Những giảng viên từ Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh giảng bài về các lĩnh vực kỹ thuật mới thì toàn bộ các thầy cô trong khu vực Tây Nam bộ này nếu có ACCoun thì sẽ xem được trực tuyến.

 Phát triển mạng lưới dạy nghề với 1.500 cơ sở; tuyển sinh mới dạy nghề cho hơn 2 triệu 300 nghìn người để  đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường… là mục tiêu được Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đề ra trong năm 2015. Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cho biết năm 2015, đào tạo nghề sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng sáp nhập trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng với hệ thống dạy nghề, hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ông Dương Đức Lân cho biết: Chất lượng nguồn nhân lực hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta hội nhập với khu vực và quốc tế. Sắp tới, theo đề án của Chính phủ, chúng tôi sẽ xây dựng các trường nghề chất lượng cao đến 2020. Đây là những yếu tố đảm bảo hội nhập khu vực, đào tạo nghề chất lượng cao, tận dụng lợi thế cạnh tranh.

Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải xây dựng được ít nhất 10 trường dạy nghề ngang trình độ quốc tế, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới dạy nghề như một tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách để đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho phát triển kinh tế của đất nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác