Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

(VOV5) - Việt Nam hiện có gần 7 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 4 triệu người trong độ tuổi lao động. Do người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tiếp cận giáo dục, việc làm, những năm qua, Việt Nam luôn có những chính sách hỗ trợ, giúp người khuyết tật vượt qua những rào cản, có những công việc phù hợp với trình độ và sức khoẻ để từng bước ổn định cuộc sống. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua, ngoài việc chăm lo cho cuộc sống người khuyết tật, Thành phố cùng Sở Giao thông vận tải có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật đi xe buýt. Tại các nhà chờ xe buýt luôn có lối lên xuống thuận lợi và nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ người khuyết tật. Ngoài ra, các xe buýt được công ty thiết kế sàn thấp, lắp đặt thiết bị nâng hạ tự động và dành 2 hàng ghế đầu ưu tiên cho người khuyết tật. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Sở Giao thông vận tải cũng đang triển khai đưa vào sử dụng thêm 300 xe buýt sàn thấp. "Thành phố đang hướng tới mục tiêu cộng động cùng chung tay góp sức cho người lái xe, tiếp viên hỗ trợ người đi xe buýt tốt nhất. Còn các cơ chế chính sách liên quan đến người khuyết tật, các giải pháp khác Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Hội người khuyết tật để xây dựng các kế hoạch, chương trình với mục đích làm sao người khuyết tật khi tham gia hoạt động xã hội được một cách tốt nhất và hòa nhập" - ông Minh cho biết.

Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - ảnh 1
Xe buýt mới được đưa vào khai thác tại Nội Bài thân thiện với người khuyết tật (Ảnh: baogiaothong.vn)

Hướng đến việc sẻ chia yêu thương, bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng, Việt Nam đã và đang nỗ lực tìm cách hỗ trợ gần 7 triệu người khuyết tật, từ việc giải quyết chế độ trợ cấp cho người khuyết tật, giúp họ vượt qua những rào cản trong cuộc sống. Nhiều chương trình đã triển khai nhằm tăng cường nhận thức của toàn xã hội về quyền của người khuyết tật, trong đó quan trọng nhất là tìm việc làm phù hợp cho người khuyết tật, để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống. Mỗi năm, Việt Nam tổ chức nhiều hội chợ việc làm cho người khuyết tật, tuyên dụng hàng chục nghìn lao động và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Hội viên Hội người khuyết tật Hà Nội, chia sẻ: "Theo tôi người khuyết tật đã được Nhà nước quan tâm hơn rất nhiều, có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và công nghệ. Qua đây tôi cũng có muốn lòng hảo tâm, có nhiều hơn các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc để họ có thể tự trang trải trong cuộc sống".

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, cho rằng: Việc các địa phương tổ chức Ngày hội việc làm là cơ hội để các doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ và thực hiện chính sách dành cho người khuyết tật. Đây cũng là động lực để lao động người khuyết tật chủ động đi học nghề, tìm hiểu các cơ hội việc làm, phát triển cuộc sống. "Qua các Ngày hội việc làm hòa nhập Người khuyết tật, chúng tôi mong muốn thay đổi nhận thức của toàn xã hội và đặc biệt là các doanh nghiệp đến đây tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc. Qua đây chúng tôi cũng mong muốn thay đổi cả nhận thức của người khuyết tật và doanh nghiệp hướng tới một xã hội hòa nhập, không rào cản và tôn trọng của người khuyết tật. Mong muốn doanh nghiệp nhìn vào khả năng của họ còn hơn là sự khuyết tật" - bà Vân nói.

Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - ảnh 2
Đào tạo nghề cho người khuyết tật (Ảnh: baoquangngai.vn)

Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật”, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về người khuyết tật nhằm đảm bảo các quyền cũng như hỗ trợ họ cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế xã hội và hòa nhập cộng đồng. Từ đó xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực… Ông Phùng Xuân Quý, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Trị, cho rằng: "Chúng tôi mong chính quyền các cấp tổ chức tốt việc tuyên truyền Công ước cũng như luật về trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn cả nước. Ngoài ra Nhà nước có những chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, thông qua chương trình dạy nghề nông thôn giúp cho người khuyết tật có công ăn việc làm, giúp cho người khuyết tật tự tin hòa nhập bình đẳng thực hiện quyền của người khuyết tật".

Với sự chung tay của toàn xã hội, người khuyết tật đang từng ngày hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động xã hội. Với công việc phù hợp và bằng nghị lực chính mình, người khuyết tật Việt Nam đã giúp nhau vượt qua những rào cản, để từng bước ổn định cuộc sống.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác