(VOV5)- Nếu vẽ bản đồ đất nước Việt Nam, nơi đặt nét bút đầu tiên chính là mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sa Vĩ đón chúng tôi với bức phù điêu xanh hình ba ngọn thông Samu vươn thẳng lên trời như một biểu tượng thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.“ Sa” là cát, “ Vĩ” là đuôi. Người ta gọi Sa Vĩ vì mỗi khi thuỷ triều xuống, nơi đây nổi lên một doi cát dài có người ví là đuôi Rồng. Cái doi cát nhỏ nhoi này sớm nay không hề suy suyển sau cơn mưa tối đất, tối trời ở Trà Cổ, tựa như bao đời nay nó vẫn hiên ngang trường tồn cùng dông gió thời gian.
Bấm để nghe âm thanh:
Chiếc xe lăn những vệt bánh rời khỏi thành phố Móng Cái náo nhiệt vào lúc trời còn mờ sương. Chỉ khoảng vài cây số trên con đường ven biển trải nhựa thẳng tắp ven biển đã thấy trời như rộng ra, đất như bằng phẳng hơn. Đi qua vị mặn mòi của biển, đi qua làng Trà Cổ, đình Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ… con đường dẫn thẳng đến mũi Sa Vĩ, ở toạ độ 21độ 29’33” bắc, 108 độ 4’ 5” đông. Tấm biển vành đai biên giới nằm ngay cuối con đường, nơi nhô ra phía biển, như ngón tay chỉ về đại dương xa ngút mắt. Xa xa trên biển, cột mốc biên giới Việt- Trung đánh dấu chủ quyền hai bên, trầm ngâm trong sóng nước. Những cư dân đầu tiên chúng tôi gặp ở mũi Sa Vĩ là những người lính biên phòng ở đội số 3, đồn biên phòng Trà Cổ. Các anh đang bắt đầu công việc của một ngày bình thường ở Sa Vĩ, tại điểm đồn nhìn thẳng ra bức phù điêu tượng hình điểm đầu Đông Bắc Tổ quốc, trên đó ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương. Đến Cà Mau rừng đước”…
Thượng uý Hồ Văn Tông, người nhận nhiệm vụ ở chốt biên phòng đặc biệt này chỉ 8 tháng trước đây, đã tỏ ra là một hướng dẫn viên du lịch thật chuyên nghiệp khi chỉ cho những vị khách đường xa thấy hết vẻ độc đáo của đất trời Sa Vĩ: “Nơi ta đang đứng đây là khu vực cửa sông biên giới Bắc Luân. Trước mặt chúng ta đây là hai cột mốc 1377, 1378 là hai cột mốc cuối cùng Việt nam- Trung quốc. Phía đối diện là thôn Trúc Sơn, thị trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, Trung quốc. Phía bên tay phải, chỗ xa mờ kia là mũi Bạch Long của cảng Phòng Thành, Quảng Tây, Trung quốc. Đấy các bạn nhìn xem, bà con ngư dân đang đánh cá và tuân thủ rất tốt các Hiệp định, Hiệp ước của hai bên Việt- Trung”
Biển trời Trà Cổ (Ảnh: internet)
Trong cách nói của Thượng uý Hồ Văn Tông, dường như vạn vật ở Sa Vĩ đều có tâm hồn, một tâm hồn rất “lính”. Thượng uý Tông tiếp tục: Sóng biển đánh lên tận đây, nhiều khi sóng lớn đánh lên tận chốt. Thuỷ triều xuống thì nhìn biển hiền hoà như vậy nhưng thuỷ triều lên thì sóng cũng hung dữ lắm. Cậu cũng không hiền lành như mình nhìn bây giờ đâu. Mùa hè ở đây gió rất to, to hơn trong đất liền. Mùa đông thì lạnh. Ở đây cơn mưa đến rất nhanh.Đấy các bạn xem, chỉ 15 phút thì trời đã đổi khác rồi. Trong phút chốc là trời đổi từ sáng sang tối sẫm.
Như minh chứng cho lời Thượng uý Tông, khi anh chưa dứt lời thì những mưa sầm sập đổ xuống mũi Sa Vĩ. Sấm và chớp. Và mưa. Và gió. Và đất trời ngả nghiêng. Phi lao, loài cây đặc trưng của Sa Vĩ và bãi biển Trà Cổ, trở nên dẻo dai đến lạ theo chiều gió
Trong mưa, câu chuyện giữa cô phóng viên trẻ và Thượng uý Tông chuyển đề tài sang việc ngắm mặt trời mọc ở mảnh đất thiêng Sa Vĩ. Dường như, đây cũng là một góc nhìn khác về Sa Vĩ:
Phóng viên: Ngắm mặt trời lên ở đây chắc rất đẹp. Anh có những trải nghiệm về điều này không?
Anh Tông: Mặt trời mọc ở nơi địa đầu mình cảm thấy rất tuyệt vời, đặc biệt với những người lính biên phòng, mình làm nhiệm vụ ở đây, mình nhìn thấy rất rất đẹp, thể hiện ở chỗ mình ngắm mặt trời thật khác với chỗ khác, mình cảm thấy thế, mình tự hào là ở chỗ đó, mình đứng chân nơi đây để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và thiên nhiên ưu đãi một cái gì đó rất đẹp. Nó tạo cảm xúc cho người lính biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Còn có rất nhiều đoàn làm phim, các đoàn nhà văn, nhà báo ra đây tìm cảm hứng ở chính chỗ này. Nhìn mặt trời, mặt trăng, vì đây em xem, là đất mũi, là nơi địa đầu của Tổ quốc. Nhiều khi tình cảm, cảm xúc thực tế thiên nhiên, vị trí địa lý, cảm xúc rất có ý nghĩa khiến cho những bức ảnh, bài thơ, bài văn tạo ra cảm hứng, người viết cũng rất hay mà người đọc cũng rất hay.
Rặng phi lao trên bãi biển Trà Cổ (Ảnh: internet)
Lạ là khi mưa vừa dứt, trong phút chốc đất trời Sa Vĩ như sáng bừng lên, biển lại hiền hoà trở lại. Cái doi cát khẳng định chủ quyền Sa Vĩ như thẫm lại sau mưa, thảnh thơi đón những chiếc thuyền ngư dân về nghỉ ngơi sau giờ đi biển. Nhóm công nhân đang làm việc ở cụm công trình thông tin cổ động Sa Vĩ, trên diện tích hơn 15 nghìn m2 gần đó, tiếp tục gõ búa, pha trộn bê tông. Người sĩ quan biên phòng Hồ Văn Tông lưu luyến chia tay những vị khách để bắt đầu ca trực, với câu nói vui là đã giấu đi nỗi nhớ quê hương trong niềm tự hào được canh giữ mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Còn chúng tôi, trước khi rời Sa Vĩ đến gặp ngư dân làng Trà Cổ, đã băng qua vườn cây do các nguyên thủ quốc gia trồng khi về thăm Sa Vĩ, xuống bãi cát cho gần biển hơn, lặng nghe tiếng sóng vọng về từ hàng trăm năm trước, khi những ngư dân Đồ Sơn, Hải Phòng đến mũi Sa Vĩ vạch cát lập làng, dựng đình Trà Cổ và đóng thuyền ra biển đánh bắt cá tôm./.