(VOV5)- 11 năm sống và làm việc tại Việt Nam là quãng thời gian đủ để kiến trúc sư Ando Katsuhiro, chuyên gia về phát triển văn hóa, du lịch hiểu và yêu hơn đất nước này. Từng đó thời gian anh dành để nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam và giúp người dân phát triển du lịch cộng đồng. Việt Nam đem lại cho anh niềm đam mê trong công việc. Anh muốn những di sản văn hóa, những nét đẹp của các làng quê Việt được phát huy và nâng cao tính hấp dẫn, không chỉ đối với du khách trong nước mà còn đối với các du khách quốc tế.
Lần đầu gặp, Ando Katsuhiro cho tôi cảm giác thân thiện như quen biết từ lâu. Đôi mắt một mí đặc trưng của người Nhật cộng với giọng nói nhẹ khiến tôi cuốn hút vào câu chuyện anh kể về công việc đang làm ở Việt Nam. Ando bảo nói như người Việt Nam thì thời gian anh gắn bó làm việc tại đây cũng là cái duyên. "Tôi biết đến Việt Nam khi còn là cậu học sinh tiểu học. Cách đây hơn 30 năm theo tưởng tượng của tôi thì Việt Nam là đất nước của chiến tranh. Thực tế, khi là học sinh trung học, tôi đọc qua sách báo, qua bài giảng của thầy cô, Việt Nam là đất nước của chiến tranh. Thực tế tôi đến Việt Nam năm 2001, tôi nhận ra, ấn tượng của tôi hoàn toàn khác so với trước đây."
Ando vẫn nhớ rõ lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam đó là phố cổ Hội An- Quảng Nam. Ando tham gia vào các dự án trùng tu nhà cổ ở Hội An. Đây cũng chính là nơi thắp lên tình cảm yêu mến các giá trị văn hóa truyền thống của Ando đối với Việt Nam. Ando vẫn nhớ những ấn tượng đầu tiên về miền đất này, đó khuôn mặt rạng rỡ của người dân Việt Nam và không khí thanh bình, yên ả. Hội An ngày nay đã có rất nhiều thay đổi. Nhưng với anh, nụ cười hiền hậu của người dân nơi đây và nét thần thái của Hội An thì vẫn còn. "Ở Việt Nam, tôi đi được khoảng 40 tỉnh thành, nơi tôi thích và ấn tượng nhất vẫn là Hội An. Hội An là nơi tôi đặt chân đến lần đầu tiên và không chỉ vậy sau bao năm tôi đến vẫn có người gọi tên tôi “Ando ơi” vì tôi sống ở đó khá lâu. Tôi nghĩ điều đó làm tôi ấn tượng nhất mà ở Nhật không có điều đó."
Sau Hội An, anh Ando tiếp tục với các dự án trùng tu nhà cổ ở làng Phước Tích (Huế), Cái Bè (Tiền Giang) và Đường Lâm (Hà Nội) và rất nhiều dự án khác đang được triển khai. Đường Lâm là một làng cổ, nơi còn lưu giữ được nhiều nét điển hình của làng quê miền Bắc Việt Nam. Năm 2005, sau khi Đường Lâm được xếp hạng di tích quốc gia, khách du lịch đến đây ngày một nhiều. Tuy nhiên, làng cổ này vẫn còn nhiều tài nguyên du lịch chưa được phát triển. Ando cùng với các đồng nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nghiên cứu, làm việc để góp phần trùng tu các nhà cổ và phát triển mô hình “du lịch cộng đồng” tại Đường Lâm.
Ando đã cùng với các hướng dẫn viên tại Ban Quản lý có những cuộc khảo sát tìm kiếm các tài nguyên du lịch mới của làng, tạo ra những bản đồ vùng du lịch đã khảo sát. Qua khảo sát, những hướng dẫn viên và cán bộ trong ban quản lý đã bày tỏ rằng: những nơi mà họ không để ý trước đây, từ bây giờ trở đi sẽ có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Nguyễn Thị Hoài, hướng dẫn viên của Ban quan lý làng cổ Đường Lâm được tham gia những buổi khảo sát của anh Ando, cho biết: "Qua quá trình khảo sát đi các điểm di tích nhận thấy ở làng Đông Sàng có nhiều di tích cổ chưa được khai quật. Ở trong làng có hai cái miếu, đó là những điểm mà đưa được khách du lịch đến thăm thì rất hay. Trong trung tâm của làng Mông Phụ không có miếu của làng. Đi đến trung tâm của làng cổ có nhiều nếp nhà cổ mang nét của quan văn, quan võ hơn bên làng Mông Phụ."
Đồng hành cùng anh Ando trong các chuyến khảo sát như vậy, Nguyễn Hằng Nga thực sự ngưỡng mộ về chàng trai của xứ sở hoa anh đào. "Khi làm việc với anh Ando tôi cảm thấy rất là ngạc nhiên. Tôi học về du lịch nhưng học bên Nhật nên cũng có nhiều điều về du lịch Việt Nam mà tôi chưa biết. Chính từ anh Ando mà tôi cảm nhận ra được, hiểu được vấn đề du lịch ở VN mà đặc biệt là ở nông thôn nhiều hơn. Mặc dù tôi cũng có tham khảo qua một số thầy giáo có chuyên môn về du lịch nhưng để có cái nhìn nhận đánh giá khách quan về phát triển du lịch thì tôi thấy học được nhiều từ anh Ando. Tôi rất ngạc nhiên về một người Nhật nhưng họ có thể nắm bắt được nhiều điều như vậy. Những giá trị mà nhiều người VN không nhìn thấy được nhưng anh Ando đã nhìn ra.
Tình yêu Việt Nam của Ando cũng truyền thêm lửa nhiệt tình cho những người bạn Việt Nam của anh. Làm việc tại Tổng cục du lịch Việt Nam, anh Nam có nhiều cơ hội hợp tác với Ando. Không chỉ là đối tác trong cộng việc, hai người đã trở thành những người bạn thân trong cuộc sống. "Tôi biết đến anh Ando kể từ khi tôi về nước cách đây 1 năm. Tôi nhận thấy ở anh Ando là một người nhiệt huyết, rất yêu Việt Nam, yêu các di sản, yêu du lịch. Tôi được học ở Nhật về du lịch phát triển vùng thì anh Ando có mỗi quan tâm chung như tôi. Từ đó chúng tôi có những cộng tác như một đồng nghiệp và một người bạn. Không chỉ giúp Việt Nam về việc bảo vệ di sản phát triển cộng đồng mà anh Ando còn giúp tổng cục du lịch triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch tại Nhật Bản. Hiện nay chúng tôi có một số hợp tác xúc tiến thành lập văn phòng du lịch Việt Nam tại Nhật Bản."
Khi được hỏi ngoài niềm đam mê phục dựng di sản, anh còn thích điều gì ở Việt Nam. Ando cười sảng khoái nói như thế này: "Tôi thích những ngày không làm việc được ngồi ở quán cafe nhìn ra đường, quan sát cuộc sống, nhìn mọi người đi lại nhộn nhịp, không phải làm gì cảm thấy được thư giãn, rất thoải mái. Tôi yêu nhịp sống ở nơi này. Sống ở Nhật rất bận rộn nên khi đến Việt Nam, có những khoảng thời gian ngồi quán nhâm nhi ly cafe và nhìn cuộc sống thấy thực thư giãn."
Với những kiến thức chuyên môn và niềm đam mê kiến trúc cổ, Ando Katsuhiro thực sự đã góp sức trong việc bảo tồn, tôn tạo các ngôi làng cổ của Việt Nam. Với anh, đó là ý nghĩa của một phần cuộc sống/.