(VOV5) - Vẻ đẹp hùng vỹ, hoang sơ, thác Bản Giốc từ lâu đã là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nghệ sĩ và đi vào thi ca, nghệ thuật…
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng bởi các địa danh lịch sử như suối Lê Nin, hang Pác Bó, mà còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen, đặc biệt là thác Bản Giốc, thác nước được mệnh danh hùng vĩ nhất Đông Nam Á.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Cách Thủ đô Hà Nội hơn 330km, Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác Bản Giốc gắn liền với câu chuyện tính của đôi trai gái người Tày. Xa xưa, có một người con gái Tày đẹp nhất của Bản Giốc được chàng Hoàng tử đem lòng yêu mến. Nhưng người con gái này lại đem lòng yêu một chàng trai bản bên. Nàng đã từ chối tình yêu của chàng Hoàng tử. Chàng Hoàng tử đã giận dữ sai người đi bắt cô gái đem về cung giam lại. Biết chuyện, chàng trai người yêu của cô đã bất chấp mọi nguy hiểm đi tìm và cứu được người yêu. Ngày đôi trai gái trốn thoát khỏi nhà Hoàng tử thì trời đổ mưa liên tục và đến khi mưa tạnh, xuất hiện hai ngọn thác lớn ngày đêm miệt mài tung bọt nước trắng xóa ở khe suối, bìa rừng. Phía dưới chân thác, dòng nước lại trong xanh đến hiền hòa. Để tưởng nhớ mối tình thủy chung đầy bi thương của đôi trai gái, người dân đã đặt tên thác là Bản Giốc.
Theo Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký năm 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, phần thác chính chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính có độ cao 70m, độ sâu 60m rộng 300m chia thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh, mặt sông này hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng chung. Hiện nay, dòng thác Bản Giốc là một đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đại úy Đỗ Ngọc Hảo, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Thác Bản Giốc, Đồn biên phòng Đàm Thủy, cho biết: "Thác Bản Giốc gồm hai phần, một bên thác 3 tầng là thác chính, còn lại là bên thác phụ. Thác Bản Giốc nằm trên dòng sông Quây Sơn. Dòng sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua 5 xã của Việt Nam rồi lại quay về phía Trung Quốc. Đến đoạn thác Bản Giốc thì dòng sông Quây Sơn chia làm 2 nhánh, uốn lượn trên núi và hạ thấp độ cao ở thác Bản Giốc".
|
Giữa thiên nhiên kỳ vĩ, thác Bản Giốc tựa như dải lụa trắng mềm mại nổi bật trên nền xanh của núi rừng miền biên viễn phên giậu. Vào những hôm trời nắng, ánh nắng chiếu vào dòng thác qua làn nước bụi mù mịt tạo nên những chiếc cầu vồng lung linh huyền ảo. Đại úy Đỗ Ngọc Hảo, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Thác Bản Giốc, Đồn biên phòng Đàm Thủy, cho biết thêm: "Để triển khai phát triển du lịch tại thác Bản Giốc, chính quyền địa phương đã đưa thác là điểm chính trong Khu du lịch non nước Cao Bằng. Địa phương đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư để phát triển khu du lịch này. Về lực lượng Biên phòng, với nhiệm vụ giữ gìn, quản lý, bảo vệ biên giới, an ninh trật tự, dã góp một phần cùng với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh khu vực thác Bản Giốc".
Từ năm 1922, thác Bản Giốc được miêu tả trong tư liệu của Sở Địa chất Đông Dương: Đây là một vùng đẹp nhất của Tonkin (tức miền Bắc), nếu không vì xa xôi và phương tiện lưu thông khó khăn nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu chữ Z bắc lên những tảng đá băng qua sông và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong (Tụ Tổng) được người châu Âu biết đến nhiều qua tên thác Bản Giốc. Năm 1997, thác Bản Giốc được công nhận là thắng cảnh cấp Quốc gia. Theo trang Wikipedia, thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil-Argentina, thác Victoria giữa Zambia-Zimbabwe và thác Niagara giữa Canada-Mỹ).
Nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới đã bình chọn, đưa thác Bản Giốc trở thành 1 trong 10 con thác kỳ vĩ nhất thế giới. Chị Joyce, một khách du lịch đến từ Pháp, chia sẻ: "Tôi đang tham gia chuyến tình nguyện ở Việt Nam. Tôi và đoàn ở Hà Nội, chúng tôi đến đây để tham quan. Tôi thấy ở đây rất trong lành và rất đẹp. Ở Pháp thì không có ngọn thác nào như này cả. Tôi thấy nó rất tuyệt vời".
Người dân ở mảnh đất Cao Bằng vẫn hằng ngày kể cho các thế hệ sau về câu chuyện tình yêu chung thủy liên quan đến thác Bản Giốc. Người ta đồn rằng, ngọn thác ở giữa chia ba tầng, có hai tầng sát nhau như tư thế đôi tình nhân ôm nhau. Đó là hình ảnh người con trai đang ôm người yêu vào lòng, cả hai cùng khóc, giọt nước mắt chảy dài thành dòng thác cuồn cuộn. Vẻ đẹp hùng vỹ, hoang sơ, thác Bản Giốc từ lâu đã là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nghệ sĩ và đi vào thi ca, nghệ thuật… để mỗi lần nhắc đến Cao Bằng, lại nhớ đến Bản Giốc với câu chuyện tình bất tử.