(VOV5) - Ở quê nhà Đại tướng là thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có nhà trưng bày về Đại tướng.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tọa lạc ở số 81 đường Tân Nhuệ, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm từ ngày 6/7/2023. Các hình ảnh, hiện vật, tư liệu trưng bày tại Bảo tàng tái hiện ký ức hào hùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội là Bảo tàng thứ hai về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau Bảo tàng ở thành phố Huế. Ngoài ra, ở quê nhà Đại tướng là thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có nhà trưng bày về Đại tướng.
Tới tham quan Bảo tàng, ông Nguyễn Hồng Linh, Hội cựu chiến binh phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, xúc động bày tỏ: "Chúng tôi vinh dự là bạn chiến đấu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nay đến tham quan Bảo tàng Đại tướng mới biết rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân Việt Nam. Công lao của Đại tướng thật vĩ đại."
Quang cảnh lễ mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm Bảo tang. Ảnh: Ngọc Anh |
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được phong hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1959, ông là một trong hai Đại tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1967, thời điểm chuẩn bị vào Nam để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Đại tướng đột ngột qua đời.
Đại tá Nguyễn Văn Oanh, Cục phó Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết: "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người chỉ huy mưu lược, tài trí và có tầm nhìn chiến lược. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đại tướng là tấm gương sáng trong như ngọc, là nguyên mẫu nhà thơ Tố Hữu viết tác phẩm."
Không gian tái hiện phòng làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại căn nhà số 34 phố Lý Nam Đế, thành phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Anh |
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội xây dựng từ tháng 10 năm 2021, hoàn thành tháng 6 năm 2022. Công trình có 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, gồm: phòng trưng bày, phòng hội thảo, phòng xem phim, phòng đọc sách, văn phòng, kho hiện vật, các công trình phụ trợ. Công trình được xây dựng theo kiến trúc ngôi nhà số 34 phố Lý Nam Đế, thành phố Hà Nội, nơi Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1955 đến năm 1986.
Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cho biết: "Ngôi nhà số 34 phố Lý Nam Đế, thành phố Hà Nội, từng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cũng tại nơi đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị để quyết định đường lối của Cách mạng miền Nam sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8 năm 1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bảo tàng trưng bày theo các chủ đề: quê hương, cách mạng miền Trung, Việt Bắc, cách mạng miền Nam, ngày 6/7 (ngày mất Đại tướng), tấm lòng những người ở lại, gia đình, hành trình tiếp nối…
Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam tham quan Bảo tang. Ảnh: Ngọc Anh |
Hệ thống trưng bày giới thiệu 670 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, hơn 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng, 23 tượng đồng gắn với các nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở căn nhà số 34 phố Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương cục miền Nam."
Tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người xem có cơ hội tiếp cận với những hiện vật vô cùng quý giá, gắn bó với cuộc đời của Đại tướng, như: chiếc xe đạp Mercier mà Đại tướng sử dụng trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp; khẩu súng ngắn P38 được Đại tướng dùng để tự vệ trong thời kỳ trực tiếp phụ trách, lãnh đạo phân khu Bình Trị Thiên, năm 1947; chiếc đồng hồ để bàn đã theo Đại tướng những năm 1954-1960.
Bảo tàng còn lưu giữ những tài liệu lần đầu được công bố, như: thư của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Ba Lan gửi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh đề nghị giúp đỡ trong công tác trưng bày triển lãm của Bảo tàng Quân đội Ba Lan; thư của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Tiệp Khắc cũ (nay là Cộng hòa Czech) gửi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu giúp đỡ tổ chức lại Viện Bảo tàng Quân đội Tiệp Khắc.
Việc xây dựng bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Thủ đô Hà Nội là việc làm ý nghĩa, nhằm tri ân công lao, cống hiến của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam. Ông Vũ Hà, Bí thư quận ủy quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, cho biết: "Bảo tàng là nơi lưu giữ, tổng hợp nhiều tư liệu lịch sử quý giá gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động Cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Các tài liệu, hiện vật, hình ảnh tái hiện chân thực, sống động có giá trị lịch sử và ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Bảo tàng là địa chỉ Đỏ Cách mạng, là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Quận sẽ xây dựng các chương trình tham quan Bảo tàng gắn với giờ học lịch sử, hoạt động ngoại khóa cho thế hệ trẻ."
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm đến hết năm nay. Bảo tàng sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành ngày 1 tháng 1 năm 2024 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2024).