VOV5 - Chợ cá Giao Hải không chỉ là một chợ thuần túy trao đổi, mua bán hải sản mà khung cảnh chợ còn mang những nét thơ mộng và đặc sắc của văn hóa chợ miền biển.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Giao Hải là một trong những xã thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển Nam Đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ vào Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Giao Hải có nhiều điều kiện tự nhiên và nét văn hóa độc đáo của vùng cửa sông - ven biển. Trong đó, chợ cá Giao Hải không chỉ là một chợ thuần túy trao đổi, mua bán hải sản mà khung cảnh chợ còn mang những nét thơ mộng và đặc sắc của văn hóa chợ miền biển.
|
Chợ cá tấp nập từ 5h sáng - Ảnh: Nguyễn Phương Anh/Báo Dân việt |
Mới 5h sáng, khi còn đang mơ màng nghỉ ngơi từ trong căn nhà có niên đại hơn nửa thế kỉ, anh Trịnh Văn Hậu một người làm du lịch cộng đồng tại địa phương đã đến gọi cửa và dặn dò chuẩn bị vật dụng cần thiết để tham quan chợ cá.
Trời mờ sương, hừng đông mới chớm, trên con đường làng từ ngôi nhà cổ ra chợ cá, hai bên đường, cỏ xanh vẫn còn vương những hạt sương sa từ đêm qua, nhìn xanh và bóng mướt. Đường một bên, sông một bên, khi thẳng tắp, khi lượn vòng, phút chốc cũng lên bờ đê biển Giao Thủy, địa giới xã Giao Hải. Anh Trịnh Văn Hậu hứng khởi chia sẻ: “Vào lúc 5h sáng thì trời lúc đó vừa sắp sáng, tàu bè ra vào rất đẹp. Bến thì tấp nập. Lúc đó khách mà đến được tham quan thì cảnh rất tấp nập của bà con khi tàu bè vào bến.”
Trên con đê biển dài thẳng tắp, từ xa nhìn lại, trên bến dưới thuyền, thấp thoáng bóng người quần tụ một chỗ đang mua bán trao đổi hàng hóa. Những con thuyền đánh cá đã buông neo nghỉ ngơi sau một đêm dài hành trình trên biển cả. Những ngư dân lao động vất vả đánh bắt hải sản đêm qua cũng bắt đầu vào giấc ngủ, để lại những hải sản đánh bắt được cho người thân mang xuống chợ tiêu thụ…
|
Tiểu thương thu mua cá - Ảnh: Nguyễn Phương Anh/Báo Dân việt |
Người bán kẻ mua, thật nhộn nhịp. Cảnh mua bán diễn ra chóng vánh, gọn gàng. Ở đây thường có giá cố định và khách hàng cũng là quen thuộc. Nhìn những hải sản tươi sống được mang từ những con tàu cá vừa từ biển khơi theo thuyền trở về chợ Giao Hải, chị Nguyễn Thị Mơ, vợ một chủ tàu cá cho biết, hải sản ở đây luôn tươi sống và đảm bảo an toàn cao: “Từ tháng 9 đến tháng 3 là mùa của vụ đông, mùa làm ăn của cái xã này. Có tất cả các loại, tôm sống rồi.. nghĩa là không thiếu loài gì, loại gì cũng có. Ví dụ loại ngon là tôm thuyền, ghẹ 1, ghẹ 2, cá đuối rồi điền điệt rồi cá mực, bạch tuộc. Cái gì cũng có. Hải sản ở đây đặc biệt đấy. Tôm cua sống tự nhiên không ướp áp một cái gì. Ngoài đá ra không có một cái gì khác.”
Dường như, người bán, kẻ mua ở đây quá quen nhau bởi chữ tín trong giao dịch mua bán, nên hải sản cứ bốc dưới thuyền lên được chuyển ngay cho thương lái. Ồn ào, náo nhiệt vậy, nhưng chỉ sau hơn giờ đồng hồ, thì vãn chợ. Các loại cá ,tôm, mực, ruốc được đưa vào các thùng xốp đóng đá buộc trên những chiếc xe máy hoặc cho lên xe tải để tỏa đi các chợ khác tiêu thụ. Lúc này chợ đã vãn. Đến chiều, từ 16h, phiên chợ chiều lại bắt đầu và lặp lại một chu kì mua bán trao đổi như thế. Mỗi ngày hai phiên chợ, đó là 4 giờ đồng hồ, chợ cá Giao Hải nhộn nhịp, hải sản phong phú, nườm nượp người vào ra như thể hiện sự căng đầy, tràn đầy sức sống, ấm no của một miền quê.
|
Thành quả sau giờ thu mua - Ảnh: Nguyễn Phương Anh/ Báo Dân việt |
Ước tính, bến cá Giao Hải có khoảng 1000 phương tiện đánh bắt các loại cập bến . Những con tàu mỗi chuyến đi biển khoảng 12 tiếng, trừ 2 tiếng đi - về, còn 10 tiếng khai thác hải sản chi phí hết khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/chuyến. Vì đánh gần bờ, thời gian ngắn nên lượng hải sản khai thác được chỉ bán được khoảng 5 - 6 triệu đồng/chuyến, trừ những ngày vào mùa mực, mùa sứa thì lượng đánh bắt được nhiều hơn. Đánh bắt hải sản cũng như đi câu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, nhưng ngư dân Giao Xuân vẫn một lòng thủy chung với nghề biển, dù có thắng, có thua. Chị Nguyễn Thị Mơ tâm sự: “Mỗi một chuyến đi chi phí các loại đi rồi , thì dầu với cửu hơn 2 triệu, cả ăn nữa là 2 triệu rưỡi. Một chuyến đi thì chiều nay đi sáng mai về đây này thì nếu được nhiều để ra nhiều, được ít để ra ít.”
Câu nói mộc mạc của người dân Giao Hải càng làm cho khách đến chợ cá nhiều cảm tình và mến yêu mảnh đất và con người nơi này. 6h sáng, chợ cá thưa dần và vắng bóng người. Mặt trời đã lên cao hơn, chiếu những tia nắng ban mai xuồng chợ. Bóng người, bóng tàu thuyền như đổ xuống mặt biển, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Cuộc sống ấm no và yên bình của một miền quê như tiếp tục với những ánh sáng của buổi bình minh.