(VOV5) - Tới đây, thành phố Cần Thơ sẽ là đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc trưng vùng sông nước miệt vườn trong tương lai. Việc khai thác thế mạnh sông nước và đầu tư mạnh mẽ vào các khu nghỉ dưỡng, kết hợp thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, đang là hướng đi chính của thành phố.
|
Bến Ninh Kiều - Thành phố Cần THơ |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bến Ninh Kiều, một địa danh du lịch văn hóa nổi tiếng của vùng đất Tây Đô, nay càng hấp dẫn du khách bởi sự xuất hiện của Cầu đi bộ. Với vị trí thuận lợi, phong cảnh sông nước hữu tình, Cầu đi bộ nối Bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế như một điểm nhấn độc đáo nổi lên giữa dòng chảy của sông Hậu. Chị Nguyễn Thị Sơn Ca, du khách đến từ tỉnh Hậu Giang cho biết: "Cầu đi bộ Bến Ninh Kiều từ khi hình thành đã tạo nên đặc trưng cho Cần Thơ, mang lại điểm vui chơi giải trí cho người dân khu vực ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, phục vụ cho mọi đối tượng và cho phát triển du lịch. Thời gian tới Cần Thơ cần có những công trình như thế này để thu hút du khách hơn nữa".
Theo đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trọng tâm của du lịch thành phố là khai thác thế mạnh sông nước của một đô thị gắn với sinh thái miệt vườn. Điển hình như huyện Phong Điền, địa phương hiện có 38 điểm du lịch, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan. Cùng với phong trào đờn ca tài tử phát triển, có chợ nổi, nơi đây còn nổi danh khi có giàn cây Gừa khổng lồ 4.000 m² vô cùng kỳ lạ (Cây Gừa là loài thân gỗ, cao 15-20 mét, có rễ phụ mọc ra từ thân và các cành trên cao. Lá mọc so le, chóp nhọn hoặc tròn. Cây cũng được trồng trong chậu, trồng làm cây cảnh) và khoảng 6.000 ha vườn cây ăn trái kết hợp cùng hệ thống sông ngòi dày đặc, đã tạo nên vẻ đẹp tự nhiên vô cùng độc đáo cho huyện vùng ven này. Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Phát triển sinh thái theo quy hoạch là người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, không ngừng sáng tạo, suy nghĩ tìm tòi để nguyên cứu các mô hình du lịch mới. Đồng thời sẵn sàng mời gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đầu tư vào du lịch sinh thái tại huyện để đến năm 2020 huyện Phong Điền trở thành đô thị sinh thái của thành phố".
|
Chợ nổi Cần Thơ |
Thành phố Cần Thơ không ngừng đầu tư xây dựng các dự án về du lịch, trong đó tập trung xây dựng Cồn Ấu (quận Cái Răng) trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp có nhiều khu vui chơi giải trí với sân golf 18 lỗ; đồng thời, thành phố cũng đang đầu tư xây dựng ở cồn Sơn (quận Bình Thủy) và Cù Lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt) theo hướng đô thị du lịch sinh thái. Ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết trước mắt, thành phố tập trung đầu tư phát triển du lịch đường sông. Trong đó, tập trung nâng cấp và đầu tư mới các tàu, xuồng cùng du thuyền cỡ lớn với nhiều dịch vụ hiện đại nhằm phục vụ các tour liên tỉnh và đi các nước trong khu vực theo dòng sông MeKong. "Chúng tôi phát triển du lịch sông nước trên cơ sở khai thác tối đa các cồn dọc sông Hậu và các nhà vườn sinh thái để phục vụ cho khách. Du khách có thể đi len lỏi vào các khu vườn trái cây ở địa bàn huyện Phong Điền, quận Cái Răng và Bình Thủy. Chúng tôi xây dựng tua du lịch bằng đường sông để du khách hưởng trái cây, ẩm thực tại đó rồi nghỉ dưỡng ở đây luôn" - ông Sơn nói.
|
Đơn ca tài tử - nét văn hóa đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long |
Hiện nay, Cần Thơ đang tập trung phát triển du lịch theo mô hình đô thị sinh thái với các khu nghỉ dưỡng cao cấp mang đặc trưng vùng sông nước miệt vườn, kết hợp tham quan các di tích lịch sử văn hóa. Đây sẽ là điểm nhấn thu hút du khách ngày một đông đến với Cần Thơ – vùng đất Tây Đô hiền hòa, đầm ấm và thơ mộng.