(VOV5)- Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nằm ở cực Bắc của Việt Nam, nơi có nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những núi đá hiểm trở và hùng vĩ. Năm 2010, Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO đã công nhận là Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu.
Từ Thành phố Hà Giang, đi theo quốc lộ 4C khoảng hơn 40km, bạn sẽ tới huyện Quản Bạ và bắt đầu bước chân vào Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài diện tích gần 2.356km² thuộc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm và chứa đựng những vết tích về lịch sử phát triển của vỏ trái đất.
Từ Quản Bạ lên huyện Đồng Văn, nơi được coi là nơi địa đầu của đất nước Việt Nam, quãng đường dài hơn 100km qua các địa danh như: Cổng trời Quản Bạ, Núi Cô Tiến, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú…
|
Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc |
|
Cột cờ Lũng Cú nhìn gần |
Cùng với đó là những cảnh đẹp thiên nhiên nằm ẩn mình dưới làn mây lưng trừng núi hay ẩn sau những tán cây sa mộc vươn mình lên cao đón nắng. Nhiều du khách đến với Cao nguyên đá đều mong ước được đi qua đèo Mã Pì Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam, với những lớp đá, lớp núi lô xô trùng điệp.
Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước đã gọi đỉnh Mã Pì Lèng và Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn là một “Tượng đài địa chất”. Đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan và khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.
Cùng với đó còn có hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Chị Ngọc Anh, khách du lịch Hà Nội, chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Cao nguyên đá, tôi không nghĩ được là Việt Nam lại có một địa đanh đẹp đến như vậy. Đi trên cao nguyên đá hùng vỹ, những cánh đồng hoa tam giác mạch bát ngát, những ruộng bậc thang lúa chín vàng làm say đóng lòng người. Tuy con đường lên còn khó nhưng tận mắt chiêm ngưỡng thì cũng đáng để mình đi. Thực sự rất choáng ngợp trước cảnh đẹp của Cao nguyên đá. Điều ấn tượng nhất là được đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng và ngắm dòng sông Nho Quê. Đó thực sự là khung cảnh không thể quên được. Đọc dường đi được ngắm những vách đá tai mèo dựng đứng, những vực sâu hun hút… trong lòng có những cảm xúc rất khó tả.”
|
Ngoài giá trị địa chất, giữa muôn trùng núi đá kỳ vĩ, vùng đất này còn là nơi chung sống của đồng bào các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo… trong đó ẩn dấu nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc. Ông Ma Ngọc Giang, Phó Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết: “Một trong những sự hấp dẫn nhất của Cao nguyên đá Đồng Văn ngoài cảnh quan thiên nhiên, thì giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc là sự hấp dẫn, lôi cuốn du khách, nhất là du khách nước ngoài. Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đang thu thập, nghiên cứ toàn bộ các di sản một cách toàn diện, và lên phương án bảo tồn khẩn cấp đối với những giá trị văn hóa có nguy cơ mai một. Trước mắt là giữ bằng mọi cách những hàngrào đá, những mái ngói địa phương, những ngôi nhà trình tường, bản sắc các trang phục của các dân tộc".
|
Trên cung đường đi qua các huyện của cao nguyên đá, nổi bật nhất là các buổi chợ phiên, nơi đồng bào các dân tộc trao đổi mua bán hàng hóa và là nơi hội tụ của trang phục, văn hóa các dân tộc nơi đây.
Đi chợ vùng cao du khách nên đi từ sáng sớm để nghe tiếng vó ngựa thồ hàng, tiếng người gọi nhau ra chợ. Với những người phụ nữ, phiên chợ là dịp để mua sắm cho mình và gia đình còn các ông chồng đi chợ để giao lưu, uống chén rượu ngô thơm nồng, thổi lên những điệu khèn đặc trưng của các dân tộc nơi đây. Ở Cao nguyên đá còn có một phiên chợ đặc biệt, đó là phiên chợ Khau Vai diễn ra vào ngày 27 tháng 3 (âm lịch) hàng nằm, nơi đó không chỉ buôn bán hàng hóa, mà còn là địa điểm để những đôi nam nữ tìm đến nhau sau quãng thời xa cách.
Những người đến Khau Vai chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có gia đình riêng của mình. Đúng phiên chợ, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình.
Đến với Cao nguyên đá, du khách sẽ chiếm ngưỡng những cảnh đẹp thiên nhiên cùng không gian văn hóa rực rỡ sắc màu và ngập tràn thanh âm đặc trưng của vùng cao Việt Nam. Anh Angier Marcel, khách du lịch đến từ Pháp, chia sẻ: “Nơi này thật tuyệt vời. Mọi thứ đều được bảo tồn tốt và không có quá nhiều khách du lịch. Ở đây có những giá trị đích thực. Chúng tôi được chiêm ngưỡng những bản làng xinh đẹp, tiếp xúc với những dân tộc thú vị. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn quay lại nữa. Và nếu các bạn của chúng tôi có ý định du lịch Việt Nam, chúng tôi sẽ khuyên họ đến thăm nơi này, chắc chắn là như vậy.”
Cao nguyên đá Đồng Văn còn được biết đến là xứ sở của hoa đào, hoa lê, của tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông quyến rũ, tiếng trống đồng của các dân tộc âm vang khi mỗi dịp lễ hội… Sự hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng cùng nền văn hóa và lòng hiếu khách của con người trên Cao nguyên đá tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho du khách một lần đến với Đồng Văn.