(VOV5) - Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để bạn bè quốc tế bày tỏ niềm cảm phục, đồng thời khẳng định vai trò lịch sử và các giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái tên không chỉ gợi lên tình cảm thành kính trong mỗi người dân Việt Nam, mà còn tạo được ấn tượng vô cùng tốt đẹp với bè bạn quốc tế. Ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi Người đã từng đặt chân qua, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của thế giới trong thế kỷ 20.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại Đại học UNPAD, Indonesia, 2/3/1959 |
Tại Ai Cập, Hầu hết người dân Ai Cập đều biết tới Việt Nam và Chủ tịch “Hồ Chí Minh”. Câu nói quen thuộc của người dân ở đây là “Việt Nam – Hồ Chí Minh” với sự ngưỡng mộ và đầy kính phục. Chia sẻ những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ Ai Cập Moheb El Samra khẳng định dưới sự lãnh đạo của Người, Dân tộc Việt Nam đã làm nên những điều kỳ diệu:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cổ vũ và ảnh hưởng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc các nước Châu Phi, Ai Cập cùng nhiều dân tộc trên thế giới. Bất cứ cuộc đấu tranh giải phóng nào của các dân tộc ở Châu Á, cũng như trên toàn thế giới lúc đó đều lấy Việt Nam – Hồ Chí Minh làm ngọn cờ để đấu tranh giành độc lập.”
Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á Phi, ông Nuri Abdel dù đã 90 tuổi, nhưng vẫn nhớ và tự hào khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1950 tại Trung Quốc.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trước lễ trao bằng treo tại phòng truyền thống trường Đại học UNPAD |
Ấn tượng nhất của ông về Người đó chính là một nhà lãnh đạo kiệt xuất nhưng hết sức bình dị và gần gũi với nhân dân:“Tôi đã từng gặp nhiều nhà lãnh đạo lớn và có ảnh hưởng trên thế giới. Nhưng thời đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh tụ số một thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 với chiến thắng của Hồng quân Liên Xô. Ông đã dành cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng ông là người có cuộc sống rất bình dị và luôn yêu thương nhân dân.”
Hơn 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm lịch sử tới Indonesia trong vòng 10 ngày. Chuyến đi đã đặt nền móng cho mối quan hệ bang giao giữa hai nước cho tới ngày nay. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Nhà nước Indonesia trao tặng những danh hiệu cao quý như Bằng Tiến sĩ danh dự, Huân chương Du kích… Trong phòng truyền thống của trường đại học Padjadjaran hiện nay vẫn treo những bức ảnh về chuyến thăm của Người, ghi chú đầy đủ về ngày giờ, địa điểm và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.
Hội trường nơi trao bằng Tiến sĩ cho Bác Hồ ngày nay đã trở thành nơi trao bằng cho các sinh viên tốt nghiệp của trường UNPAD/ Ảnh Hương Trà |
Tự hào với những tư liệu quý này, GS-TS Rina Indiastuti, Hiệu trưởng trường Đại học Padjadjaran (UNPAD), thành phố Bandung, chia sẻ: "Trong lịch sử của trường đại học Padjadjaran, ngày 2/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thành phố Bandung, thăm trường Padjadjaran và nhận bằng Tiến sĩ danh dự ngành Luật. Indonesia nói chung và trường Đại học Padjajan nói riêng có vinh dự đặc biệt khi được trao danh hiệu này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vì đã chiến đấu cho độc lập của Việt Nam và vì sự lãnh đạo đất nước Việt Nam cho tới khi độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.”
Tổng thống Sukarno trao Huân chương Du kích cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Jakarta, 7/3/1959 |
Trong thế giới hội nhập ngày nay, Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn bằng sự phát triển nhanh chóng ở khu vực cũng như vươn mình mạnh mẽ ra thế giới. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để bạn bè quốc tế bày tỏ niềm cảm phục, đồng thời khẳng định vai trò lịch sử và các giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho nhân loại trong thời đại ngày nay.