(VOV5) - Tháng 3 về cũng là lúc hoa gạo đua nhau nở đỏ rực trước sân chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) như tô điểm cho nét đẹp cổ kính của ngôi chùa đã nghìn năm tuổi.
Còn được biết đến với tên gọi khác như hoa mộc miên, hoa gạo thường nở trong khoảng một tháng và rụng dần trước khi cây ra lá non, đây cũng là dịp người từ muôn phương kéo tới chùa Thầy để lễ bái và chiêm ngưỡng phong cảnh nhà Phật.
Những tay máy tìm về vãn cảnh chùa Thầy và không quên lưu lại những khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây - Ảnh: Phạm Hằng |
Là một du khách tìm về vãn cảnh chùa, anh Nguyễn Văn Hưởng (23 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết:“Mình là một nhiếp ảnh gia, mình đến đây mục đích chính cũng là để vãn cảnh nhưng ống kính của mình lại bị thu hút bởi cây hoa gạo. Mình được biết ngôi chùa này khá là cổ kính nhưng khi thấy cây hoa gạo cổ thụ này thì mình không còn nghi ngờ gì về cái sự cổ kính ấy nữa.”
Thủy đình chùa Thầy - Ảnh: Phạm Hằng. |
Người dân sống quanh chùa Thầy kể rằng, tại sân chùa Cả có hai cây gạo ra hoa đứng cạnh nhau, trong đó cây lớn là cây cổ thụ đã sống từ lâu đời, còn một cây mới trồng đối xứng qua sân chùa nay cũng đã trổ hoa.
Vào mùa hoa gạo, cây rụng hết lá, chỉ còn những bông hoa đỏ rực khoe sắc trên cành như dấu hiệu chào đón mùa hè. Những ngày này, không khó để bắt gặp nhiều người yêu thích chụp ảnh tìm về chùa Thầy để ghi lại khoảnh khắc lãng mạn bên hoa gạo.
Du khách vãn cảnh chùa Thầy thích chụp ảnh lưu niệm cùng mùa hoa gạo tháng 3 nơi đây - Ảnh: Phạm Hằng.
|
Lớn lên bên chùa, cô Bùi Thu Thủy (sống tại Quốc Oai, Hà Nội) luôn cảm thấy yêu và tự hào về cảnh sắc quê hương, cô chia sẻ:“Ở mọi nơi cũng có rất nhiều cây gạo nhưng không đâu đẹp bằng ở đây. Cây gạo ở đây là cây gạo cổ trên sân chùa, dưới là hồ nước tạo nên cảnh đẹp lung linh, du khách thường đến đây để chiêm ngưỡng và chụp hình.”
Trước sân chùa Cả trồng cây gạo cổ thụ chừng đã vài trăm năm tuổi, những nhành hoa gạo đỏ rực sà xuống trước thủy đình trên hồ tạo nên một nét kiến trúc riêng cho cảnh sắc chùa Thầy
Cây gạo cổ thụ như một biểu tượng đẹp tỏa sắc giữa sân chùa. - Ảnh: Phạm Hằng. |
"Nhớ ngày mùng bảy tháng ba
Trở về hội Láng trở ra hội Thầy”
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch, mùa hoa gạo rơi cũng là lúc chùa Thầy linh đình tổ chức lễ hội truyền thống.
Hoa rụng trên mái hiên chùa - Ảnh: Phạm Hằng |
Cô Nguyễn Thị Ngọc Tài (Tổ trưởng tổ hướng dẫn giới thiệu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy) cho biết : “Khi hoa gạo rơi xuống là mùa lễ hội, cảnh chùa Thầy sơn thủy hữu tình kết hợp với màu hoa gạo đỏ tức là rất may mắn. Đến chùa Thầy tham quan theo tâm lý thoải mái rồi thả hồn ngắm cảnh, chụp dưới bóng cây hoa gạo, cảm tưởng như một sự may mắn, đem đến cho du khách sự thích thú”.
Hoa rụng trong sự luyến tiếc của du khách. - Ảnh: Phạm Hằng |
Cây hoa gạo với sắc đỏ đặc trưng không chỉ tô điểm cho cảnh sắc chùa Thầy mà còn như minh chứng cho nét cổ kính và văn hóa ngàn đời của mảnh đất nhà Phật.
Một góc chùa Thầy - Ảnh: Phạm Hằng |
Với vẻ đẹp kiến trúc độc đáo cùng phong cảnh non nước hữu tình, chùa Thầy hiện là một trong những thắng cảnh tâm linh thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm.