(VOV5)- Biến đối khí hậu đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và Việt Nam đang là một trong số quốc gia chịu nhiều tác động ảnh hưởng của quá trình này. Để đối phó với biến đổi khí hậu, năm 2011 Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam phát động cuộc thi “ Ý tưởng sáng tạo, ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biển đổi khí hậu” và một sinh viên năm cuối khoa kiến trúc và quy hoạch Đại học xây dựng đã bất ngờ đoạt giải nhất. Xin giới thiệu với các bạn về chàng kiến trúc sư trẻ với ý tưởng công trình” ngôi nhà chống biến đổi khí hậu” Nhân ngày phòng chống thiên tai Việt Nam 22/5 hàng năm.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và thái tử Frederik trao
giải nhất cho tác giả Nguyễn Ích Thắng
Theo nghiên cứu, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng từ 0,5 đến 0,7 độ C và mực nước biển dâng khoảng 20 cm. Những trận bão với cường độ ngày càng lớn ở miền Trung, tình trạng triều cường thường xuyên gây ngập lụt ở thành phố Hồ Chí và Nam bộ, nạn hạn hán ngày càng khắc nghiệt hơn ở Nam trung bộ và Tây nguyên..xảy ra những năm gần đây cho thấy quá trình biến đổi khí hậu tác động đến Việt Nam ngày càng rõ nét, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, an ninh lương thực và đời sống con người.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông thuộc xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng Hà Nội nằm bên bờ sông Hồng, cậu bé Nguyễn Ích Thắng từng chứng kiến những trận lụt kinh hoàng không chỉ cướp đi tính mạng con người, mà còn làm cho hàng nghìn người mất nhà cửa, tài sản tích cóp hàng chục năm trời bỗng chốc bị cuốn trôi, khiến nhiều gia đình trắng tay.
Từ nhỏ, Thắng nung nấu ý nghĩ làm gì đó để giúp gia đình, người thân bớt đi những lo toan vất vả mỗi khi mùa nước lũ về. Ý nghĩ đó dần hình thành khi Thắng thi đỗ vào khoa kiến trúc quy hoạch Đại học xây dựng Hà Nội. Mỗi kỳ nghỉ về thăm quê, Thắng thường tha thẩn ngắm nhìn dòng sông và rồi những chiếc lồng cá trên sông đã khiến thắng nảy ra ý nghĩ sao không thiết kế ngôi nhà chống lũ từ chính mô hình lồng cá sông này.
Năm 2010 Thắng có cơ hội thực hiện mong ước của mình khi có cuộc thi : “ Ý tưởng sáng tạo, ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ tài nguyên và môi trường phát động. Dù lịch trình học năm cuối rất bận rộn, nhưng Thắng quyết tâm tham dự cuộc thi này. Nguyễn Ích Thắng, kể: “Tôi có ý tưởng từ cuối năm 2010, với ý định sẽ thi vào cuộc thi của Hội kiến trúc sư Việt Nam, nhưng do lúc đó bận rộn, nên khi có cuộc thi này tôi quyết tâm phải làm bằng được. Thời gian vẽ chỉ mất một tuần, nhưng hình thành ý tưởng thì đã có từ lâu”
Mô hình nhà chống lũ của Nguyễn Ích Thắng
Khởi nguồn từ hình ảnh chiếc lồng cá nổi trên sông, Nguyễn Ích Thắng đã thiết kế mô hình ngôi nhà ở đa năng, bán di động. Ngôi nhà gồm hai phần cố định và di động. Khi có nước lũ về, phần cố định sẽ bị chìm, còn phần di động sẽ được nổi lên mặt nước, toàn bộ người và vật dụng ở ngôi nhà bị chìm sẽ chuyển sang phần nổi của ngôi nhà, đồng thời hai két nước ghép ở hai bên phần nhà di động cũng sẽ được mở ra, một bên làm sân phơi và một bên làm chỗ chứa nước sạch, lương thực, rau xanh, chỗ dành cho vật nuôi trong nhà. Hai phần của ngôi nhà được liên kết chặt chẽ với nhau và phần di động trượt theo thanh trượt bằng thép thẳng đứng nên tránh cho ngôi nhà bị trôi theo nước lũ.
Với tính năng đặc biệt nổi bật, ngôi nhà của sinh viên Nguyễn Ích Thắng đã đoạt giải nhất cuộc thi. PGS-TS Phạm Thuý Loan, Phó viện trưởng Viện quy hoạch và kiến trúc độ thị, cho biết: “Tôi nghĩ một trong những yếu tố phương án của Thắng được giải, đó chính là việc em chọn nhưng vật liệu thân thiện với môi trường ở địa phương, vì theo xu hướng kiến trúc độ thị hiện nay trên thế giới, người ta đạt nhiều thành công về khoa học công nghệ, nhưng để lại hệ quả một loạt vấn đề liên quan đến tài nguyên, do vậy chúng ta cần khai thác tối đa tất cả các loại vật liệu mà nó có khả năng tái sinh và hạn chế những vật liệu không có khả năng tái sinh, ví dụ ở đây như khai thác nhiệt từ mặt trời, năng lượng từ gió thì đó là cách thông thường, còn với ngôi nhà này sử dụng tre, nứa là vật liệu rất phổ biến thân thiện với môi trường”.
Điều đặc biệt là ngôi nhà mà Thắng thiết kế còn có thể ứng phó với nhiều thảm hoạ khác nhau, ví dụ như: cấu trúc của ngôi nhà làm bằng tre có tính đàn hồi, lại được liên kết với nhau theo các phương khác nhau, do vậy khi có rung động, ngôi nhà không bị phá huỷ, cấu trúc ổn định hơn, ngôi nhà chịu đựng được những rung chấn. Mặt khác các nhà chuyên môn còn đánh giá cao tính thực tiễn triển khai, bởi vật liệu làm nhà dễ kiếm, rẻ tiền, làm trong thời gian ngắn. Bởi vậy khi mô hình ngôi nhà do Thắng thiết kế đoạt giải, nhiều đồng nghiệp đã có những đánh giá tích cực. Kiến trúc sư Đào Hải Nam, công tác ở Viện quy hoạch kiến trúc độ thị, cho biết: “Mình có nghe Thắng trình bày ở Viện quy hoạch kiến trúc đô thị Đại học xây dựng, trong đó cái độc đáo của ngôi nhà đó là tính linh động. Thắng đã tiếp cận với điều kiện sống, sinh hoạt và đặt cái sinh hoạt của người dân lên hàng đầu để giải quyết các vấn đề khác. Khi lũ lụt xảy ra thì điều kiện sinh hoạt sinh sống của người dân vẫn phải được đảm bảo những điều kiện tối thiểu”.
Giải nhất của cuộc thi trị giá 30 triệu đồng là số tiền không phải quá lớn, nhưng nó mang giá trị thực tiễn gợi mở cải thiện cuộc sống cho gần 30 triệu người dân thường xuyên phải đối phó và chung sống với lũ, nhất là các hộ dân ở các vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngạn ngữ Việt Nam có câu “ An cư, mới lập nghiệp”, người dân vùng lũ, từ bao đời quen với tập quán sống nhờ vào sông nước rất cần những mô hình ngôi nhà chống lũ và ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu như vậy. /.