(VOV5) - Ngày 19/5/1968, huyện đảo Cô Tô đã khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi Người đứng nói chuyện với quân dân trên đảo năm xưa.
Cô Tô là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, nằm cách xa đất liền trên 100km, với hơn 40 hòn đảo lớn, nhỏ. Mỗi lần vượt sóng đến với Cô Tô, du khách đều rất xúc động khi chiêm ngưỡng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Và càng tự hào hơn khi được dự Lễ thượng cờ Tổ quốc giữa biển trời Đông Bắc.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Ngày 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm chuyện đảo Cô Tô và có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Xuất phát từ tầm quan trọng và vị trí chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo lãnh hải chủ quyền quốc gia, cùng với tình cảm đặc biệt của Người dành cho Cô Tô và thể theo nguyện vọng của quân dân trên đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý cho phép dựng tượng của mình trên đảo khi người còn sống.
Ngày 19/5/1968, huyện đảo Cô Tô đã khánh thành tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi Người đứng nói chuyện với quân dân trên đảo năm xưa.
Nghi lễ thượng cờ trang trọng tại Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Ảnh: VOV |
Trong khi đó, Cột cờ ở huyện đảo Cô Tô được khởi công ngày 14/3 năm ngoái. Công trình do Trường Đại học Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và trao tặng huyện đảo. Chiều cao của cột cờ tại Cô Tô đúng bằng cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Nơi đây là vùng biển nhiều sóng gió nên bệ móng công trình được thiết kế vững chắc, bảo đảm chịu được gió bão cấp 12 với độ bền hơn 70 năm; hệ thống tời điện được lập trình để lá cờ được kéo lên đỉnh cột đúng bằng thời gian bài Quốc ca tại Quảng trường Ba Đình hay sử dụng cho các Đại lễ của đất nước. Đặc biệt nhất, lá cờ Tổ quốc dùng trong lễ thượng cờ được chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho quân và dân Cô Tô.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thái, Bí thư, Chủ tịch UBND xã đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô), chia sẻ: Đêm 19/4 năm ngoái, một nghi lễ thiêng liêng, trang trọng được tiến hành tại Quảng trường Ba Đình, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lá cờ ở Quảng trường Ba Định rộng 4,5 m, dài 6,2m, cũng từ từ được hạ xuống, và được Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trao cho đại diện của quân dân huyện đảo là Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng. "Hành trình đón lá cờ Tổ quốc từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Mình về với Cô Tô, đó là sự tự hào và trách nhiệm, thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân trên đảo. Chứng kiến lá cờ đã tung bay tại cột cờ Ba Đình, một lần nữa tung bay trên cột cờ chủ quyền của Cô Tô, một cảm xúc khác trong tôi được nhân lên, thấy như ở lá cờ đó có lồng cả tình yêu của thủ đô Hà Nội và cả nước dành cho biển đảo Cô Tô.
Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trao tặng lá cờ cho Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng.
Ảnh: Hoàng Phương |
Ngày 26/4 năm ngoái, huyện Cô Tô tổ chức khánh thành cột cờ Tổ quốc trên đảo dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm Cô Tô. Từ đó, nghi lễ chào cờ thiêng liêng được tổ chức đều đặn vào thứ 2 đầu tuần, nghi lễ hạ cờ, thượng cờ diễn ra vào những ngày lễ quan trọng và mỗi tối thứ 6, sáng thứ 7 hàng tuần.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, chia sẻ: "Sinh thời, Cô Tô là nơi duy nhất Người đồng ý cho dựng tượng của mình, qua đó thể hiện được tình cảm và tấm lòng của Chủ tịch dành cho Cô Tô. Hiện nay, huyện đảo đã xây dựng không gian văn hoá bao gồm tượng đài, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ thượng cờ tại huyện đảo rất ý nghĩa, đặc biệt là tại vùng biển đảo của Tổ quốc. Mỗi khi du khách đến với huyện đảo Cô Tô, được chứng kiến lễ thượng cờ, sẽ thêm yêu quê hương đất nước, trách nhiệm hơn đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam."
Tiếng hát Quốc ca cất lên át cả tiếng sóng gió, mọi ánh mắt hướng về lá Quốc kỳ đang từ từ được kéo lên rồi tung bay trên đỉnh cột cờ cao 27,9m, với sự xúc động, tự hào. May mắn tới đảo Cô Tô đúng dịp Lễ thượng cờ diễn ra, anh Hà Văn Duy, du khách tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: "Mỗi lần bài hát Quốc ca được cất lên, bản thân tôi bao giờ cũng có cảm xúc rất lạ, rất thiêng liêng. Đến huyện đảo Cô Tô vào ngày rất đặc biệt, được dự lễ thượng cờ, tôi thực sự rất vinh dự, trân trọng và tự hào về Tổ quốc."
Bà Nguyễn Thị Ngát, người dân huyện đảo Cô Tô cũng rất xúc động khi được tham gia lễ thượng cờ ý nghĩa tại chính nơi mình sinh sống: "Lá cờ Việt Nam được tung bay trên vùng biển Đông Bắc, thực sự đây là niềm tự hào của người dân Cô Tô. Cũng là động lực để tôi và mỗi người dân ở Cô Tô phải có trách nhiệm bảo vệ, đồng lòng phát triển kinh tế tại vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc."
Ngày ra thăm đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm tới đồng bào các đảo, mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Hơn 60 năm sau, những người con đất Việt đến với đảo, đứng dưới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và cất cao lời hát Quốc ca, cùng hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang kiêu hãnh tung bay và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, để cùng hứa với Người sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển Cô Tô ngày càng giàu đẹp hơn nữa.