(VOV5)- Trong suy nghĩ của tôi, người đứng đầu ở những thôn bản ở các xã vùng cao thường là người cao tuổi. Nhưng khi gặp những trưởng thôn ở xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thì ấn tượng của tôi về họ là sự cảm phục. Họ đều thuộc thế hệ 8X, trẻ trung. Trần Văn Sinh, trưởng thôn Thán Phún tôi gặp đã đem lại nhiều thiện cảm. Bằng sự năng động, sáng tạo và sức trẻ, những trưởng thôn trẻ như anh Sinh đã có nhiều việc làm thiết thực, đem lại lợi ích cho bà con.
Trần Văn Sinh là người dân tộc Tày, quê gốc ở Lạng Sơn. Anh Sinh gắn bó với mảnh đất Bắc Sơn được hơn 10 năm. Anh theo gia đình ra đây khai hoang, lập nghiệp và coi Bắc Sơn là quê hương thứ hai của mình. Hơn 10 năm ở đây, giờ anh đã lấy vợ, sinh con. Cuộc sống hai vợ chồng trông chờ vào mấy ha đất rừng, làm thuê tần tảo nuôi con. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng anh Sinh sống có trước, sau, lễ phép, quan tâm đến mọi người trong thôn nhất là những bậc cao niên. Tính tình hiền hòa, dễ gần là những gì mà mọi người cảm nhận về anh.
|
Trưởng thôn Nguyễn Văn Sinh |
Năm 2011, khi nhận chức chủ tịch xã Bắc Sơn, ông Nguyễn Văn Hoàn đã trẻ hóa đội ngũ trưởng thôn và anh Sinh được tín nhiệm giao cho trọng trách đó: "Trước tuy trưởng thôn có nhiệt tình nhưng lại hạn chế về nhiều mặt, có kinh nghiệm nhưng sức khỏe, đi lại hạn chế. Kiến thức phổ thông cơ bản ban đầu thì nhiều trưởng thôn cũ còn hạn chế, có mức độ kể cả mặt tiếp cận công nghệ thông tin. Nên đội trẻ đưa vào để có tầm nhìn lâu dài. Năm 2011, thay cả 4 trưởng thôn còn những ông trưởng thôn cũ tự nguyện làm phó để tham mưu cho các trưởng thôn trẻ".
Nhận chức trưởng thôn năm 30 tuổi, đồng nghĩa với việc anh Sinh phải làm quen với công tác tuyên truyền, cách nói năng trước dân chúng, cách sử dụng internet. Và làm trưởng thôn, anh sẽ phải đi lại nhiều hơn vì hiện nay hệ thống truyền thanh của xã chưa được đầu tư tốt nên mọi công văn, giấy mời đều phải đưa đến từng nhà: Lúc đầu cũng bỡ ngỡ, đi nhiều, làm nhiều cũng quen. Đôi khi đi lại nhiều quá thấy cũng mủi lòng nhưng cũng cố gắng. Bất kể đêm hôm gà gáy, cứ có việc gì là kể cả đêm hôm phải lọ mọ đi. Rét mướt, mưa gió cũng phải đi. Chỉ cần bà con điện thoại cần mình thì phải đi ngay.
Từ ngày làm trưởng thôn, chiếc xe máy trở thành bạn đồng hành với anh trên từng cây số. Cũng chính vì đi lại liên tục, tiếp xúc với bà con dân bản nên bản thân anh Sinh cũng phải tự học hỏi nhiều. Đặc biệt là học ngôn ngữ của các dân tộc trên địa bàn. Tôi từ lúc ra đây biết tiếng dân tộc Tày và tiếng Kinh. Về đây 13 năm, ngồi giao tiếp, đi lại cũng biết giao lưu. Bây giờ biết nói tiếng Kinh, Sán Chỉ, Tày, Dao và chút tiếng Trung Quốc. Khi mình vào bản gặp các bà cụ không biết nói tiếng Kinh thì mình phải sử dụng tiếng dân tộc của họ. Chỉ cần hỏi hôm nay bà đi đâu, làm gì, có khỏe không. Những tiếng nói học của dân tộc khác khi đi tuyên truyền cũng dễ dàng hơn chứ không nói được, ngôn ngữ không hiểu nhau thì khó lắm. Thành ra nhiều lúc phải cố gắng học.
Không chỉ làm tốt công việc được giao, anh Sinh còn là người nhanh nhẹn trong việc phát triển kinh tế. Diện tích đất ở Bắc Sơn chủ yếu là đất đồi nên cuộc sống, thu nhập của bà con hoàn toàn dựa vào việc trồng cây lâu năm mà chủ yếu là trồng cây keo. Nhà anh sinh có 5ha keo cũng sắp được thu hoạch. Anh còn hướng dẫn, giúp đỡ bà con trồng sao cho hiệu quả. Có như vậy cuộc sống của người dân nơi đây mới phần nào được cải thiện. Những năm đầu tiên bà con chỉ khai hoang dần dần có cái ăn, cái mặc rồi thì bà con phát triển trồng rừng phủ trống đồi trọc. Từ năm 2000 đến giờ bà con đã được khai thác keo và chuẩn bị trồng vụ mới. Diện tích mỗi nhà có đôi ba ha. Tùy theo từng đất. Bình thường trồng ở đất màu mỡ thì 7 đến 8 năm còn đất đồi thì phải 10 năm.
Gần ba năm làm Trưởng thôn, anh Sinh đã chinh phục được lòng tin yêu của người dân trong thôn Thán Phún với nhiều việc làm thiết thực. Anh Sinh tự nhủ đã nhận việc thì phải làm hết khả năng để không hổ thẹn với những gì dân tin vào mình./.