Chuyện về người bác sĩ rời phố ra đảo

Ở xã đảo Thạnh An, nơi khó khăn về giao thông và thiếu thốn đủ thứ, nhưng may mắn người dân ở đây luôn an tâm về sức khỏe bởi họ có người bác sĩ tận tụy Luân Thanh Trường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Được sống và làm việc tại một thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng có một bác sĩ, vốn được sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất này, lại chọn cho mình một con đường rất riêng: Đó là rời phố thị để về công tác tại một vùng đất ngoại thành của thành phố, nơi mà đời sống người dân còn quá nhiều khó khăn thiếu thốn.

Cần Giờ có lẽ là vùng đất nghèo nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm huyện Cần Giờ tách biệt hoàn toàn với vùng nội thành của thành phố. Trên đường về Cần Giờ, có đến hàng chục cây số chỉ có rừng đước rậm rạp, không một bóng nhà dân. Vậy mà đã rất nhiều năm, bác sĩ Luân Thanh Trường, năm nay 49 tuổi, Trạm trưởng Trạm y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đi về hàng tuần trên con đường này

Chuyện về người bác sĩ rời phố ra đảo - ảnh 1
Bác sĩ Luân Thanh Trường khám chữa bệnh cho người dân ở xã đảo Thạnh An, huyện  Cần Giờ, TP.HCM

 
Để gặp bác sĩ Luân Thanh Trường, chúng tôi phải đi 70 km từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ, rồi lên đò đi thêm 45 phút nữa mới đến xã đảo Thạnh An. Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang và được người dân gọi là Bệnh viện. Gắn với Bệnh viện này, người dân còn kể những điều thật đẹp về bác sĩ Trường. 

Bà Nguyễn Thị Lệ, một người dân ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An kể: “Dân ở đây bệnh nặng đều được bác sĩ Trường xuống chữa hết bệnh nên không phải chuyển vào đất liền. Bác sĩ rất tốt, ai cũng mến ông. Lần tôi bị u xơ tử cung, không có tiền để mổ, bác sĩ Trường đã cho tôi 1 triệu đồng. Ở đây ai cũng quý mến, kính trọng ông. Có bác sĩ Trường ở đây người dân yên tâm”.

Người dân ở xã đảo Thạnh An sinh sống dựa vào biển, bằng nghề giăng lưới bắt cá hoặc làm muối. Lao động nặng nhọc, vất vả cộng với điều kiện sống khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nên chuyện phải đến bệnh viện, phải gặp bác sĩ không phải là hiếm. Đã có rất nhiều người nghèo, thường xuyên ốm đau, được bác sĩ Trường không những miễn tiền thuốc mà còn lấy tiền túi của mình cho thêm. Bác sĩ Trường đang nuôi một bà cụ nghèo bị mù ở xã Thạnh An.

Bà Đỗ Thị Nở, chủ quán cơm, nơi bác sĩ Trường đặt cơm tháng cho bà cụ nghèo cho biết: “Bác sĩ Trường rất tốt. Ông đặt tôi bán cơm hàng ngày cho cụ già đó, cứ tới tháng là bác sĩ lại trả tiền. Gia đình nào nghèo, bệnh tật cũng được bác sĩ Trường cho tiền. Nhiều người phải chuyển đi cấp cứu ông cũng cho tiền”.

Cả xã đảo Thạnh An hầu như nhà nào cũng lưu số điện thoại của bác sĩ Trường. Bệnh nặng quá, không đi nổi đến Trạm Y tế thì gọi cho bác sĩ. Cách đây vài năm, khi Trạm Y tế chưa có nữ hộ sinh, bác sĩ Trường còn kiêm luôn cả việc đỡ đẻ. Mỗi năm có đến 5-10 ca sinh nở mẹ tròn con vuông dưới tay vị bác sĩ này. 

Tính ra, bác sĩ Trường đã ở xã đảo Thạnh An hơn 10 năm và trước đó là hơn 4 năm làm việc ở Trạm Y tế xã Lý Nhơn, cũng ở huyện Cần Giờ. Thời gian ấy, ông từng có cơ hội về trung tâm thành phố làm việc, nhưng ông vẫn chọn những nơi nghèo nhất, xa thành phố để công tác. Cũng có lúc bác sĩ Trường băn khoăn chuyện về lại nội thành để có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề. Nhưng rồi ông vẫn quyết định ở lại vì thấy đời sống người dân còn khó khăn quá, cần lắm một bác sĩ và quan trọng là cái tình của người dân với ông quá sâu nặng.

Bác sĩ Luân Thanh Trường chia sẻ: “Bác sĩ làm việc ở đây nếu biết kêu gọi cộng đồng giúp đỡ sẽ giúp cho người bệnh qua được cơn ngặt nghèo. Khi đó mình cảm thấy rất thanh thản. Chính sự thanh thản đó giúp cho mình không còn phải cân nhắc chuyện học thêm mà chưa biết chắc có giúp được cho ai hay không nhưng trước mắt ở đây, bằng tâm và sức thì mình có thể phục vụ được cho nhiều người, nhất là những người lao động nghèo”.

Có đến được xã đảo Thạnh An mới thấy đời sống của người dân còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mỗi khi có bệnh nhân nặng, chuyển viện phải qua sông, qua đò gian nan và mất rất nhiều thời gian, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy mà người dân càng quý hơn những tấm lòng tận tâm với người dân như bác sĩ Luân Thanh Trường.

Ông Lê Thanh Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạnh An nói: “Bác sĩ Luân Thanh Trường được đánh giá cao về mặt chuyên môn cũng như về y đức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân tận tình niềm nở. Nhờ đó, công tác khám chữa bệnh cũng như phòng bệnh của Trạm y tế xã được thực hiện rất tốt”.

Người dân ở nơi đâu cũng đều cần đôi bàn tay chăm sóc trị bệnh của người bác sĩ. Nhưng ở xã đảo Thạnh An, nơi khó khăn về giao thông đi lại, thiếu thốn về điện, về nước và nhiều thứ khác thì nhu cầu về y tế lại càng cấp thiết hơn nữa. Trong điều kiện đó, bác sĩ Luân Thanh Trường với tấm lòng tận tụy vì người bệnh đã được bà con nơi đây đặt niềm tin và sự kính trọng./.

Hiếu Hiền/VOV-TPHCM

Phản hồi

Các tin/bài khác