(VOV5) - Để từ đó, vùng đất “cúi mặt sát Đất, ngẩng mặt đụng Trời”, ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế đến đây thăm quan và trải nghiệm.
Cảnh quan hùng vỹ, sự đa dạng sinh học cùng những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, truyền thống văn hoá lâu đời của cộng đồng dân cư bản địa và những sản vật địa phương...tất cả những điểm đặc sắc này, du khách đều có thể tìm thấy ở Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Được công nhận là Công viên địa chất của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đầu tiên của Việt Nam năm 2010 và đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã 3 lần được tái công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Nằm ở độ cao trung bình từ 1.000-1.600m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên địa bàn 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… với tổng hòa, đa dạng các giá trị địa chất, địa mạo kiến tạo, văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học. Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam. Năm 2014 và năm 2019, UNESCO đã tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022. Đầu tháng 9 vừa qua, lần thứ 3, UNESCO tiếp tục công nhận Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Chị Mekdala Nounou ấn tượng với vẻ đẹp của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ảnh: Vĩnh Phong |
Phát biểu tại Lễ đón nhận Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3, diễn ra tối 28/10, tại huyện Đồng Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: "Từ một miền đá khó khăn trập trùng, ít người biết đến, Cao nguyên đá Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng và trở thành các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, như: Cột cờ Lũng Cú, Di tích nhà Vương, Phố Cổ Đồng Văn, hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng; Lễ hội Khèn Mông, Chợ phong lưu Khâu Vai (Mèo Vạc), Làng văn hóa dân tộc Nậm Đăm, Pả Vi, Lô Lô Chải; Khu nghỉ dưỡng làng Mông (Quản Bạ)...Lượng khách đến với Hà Giang từ 2.000 lượt người vào năm 2010 đã tăng nhanh chóng, đạt mốc 2,2 triệu lượt năm ngoái và dự kiến năm nay, sẽ đạt trên 3 triệu. Khách du lịch tăng trưởng theo hướng bền vững, đã và đang tạo nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo... thay đổi rõ nét nơi cao nguyên đá Đồng Văn.'
Khu nghỉ dưỡng H'Mong village nằm giữa núi rừng Quản Bạ (huyện Quản Bạ - 1 trong 4 huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Vĩnh Phong |
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, góp phần đưa Hà Giang trở thành điểm đến thứ 25 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn. Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đã đoạt danh hiệu “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương do World Travel Awards (WTA) trao tặng cuối tháng 9 vừa qua.
Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn bây giờ, du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin tại 4 Trạm thông tin du khách tại các huyện vùng công viên địa chất; trải nghiệm 4 tuyến du lịch: Hành trình lên nơi khởi nguồn sự sống; Giai điệu cuộc sống trên miền đá; Hành trình đến tự hào và hạnh phúc; Hành trình đến với tương lai xanh; khám phá Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc Đồng Văn. Chị Mekdala Nounou, du khách Lào, chia sẻ: "Tôi ở Việt Nam 6 năm nhưng đến nay mới có dịp đến với Hà Giang, đến với Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến đây, tôi tự hỏi tại sao giờ mình mới đến đây? Lẽ ra tôi phải đến đây sớm hơn. Núi non hùng vỹ, phong cảnh đẹp và trong lành... tôi thực sự rất thích. Tôi dành 3 ngày để khám phá Cao nguyên đá Đồng văn và rất ấn tượng về những người dân nơi đây, thân thiện và nhiệt tình. Tôi cũng đã thưởng thức nhiều món ăn ở đây, rất ngon."
Núi đôi Quản Bạ. Ảnh: Vĩnh Phong |
Gần 14 năm qua, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực bảo vệ và phát triển Công viên địa chất theo hướng bền vững; triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của Cao nguyên đá Đồng Văn, cùng các di sản địa chất, di sản văn hóa tiêu biểu và bản sắc văn hóa của cộng đồng 17 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, cho biết: "Qua 3 lần được tái công nhận, tỉnh Hà Giang đã đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng sản phẩm du lịch trên vùng Công viên địa chất. Chúng tôi đã và đang sẵn sàng các điều kiện để phù hợp cho việc liên kết hợp tác phát triển trong nước và ngoài nước; mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của Trung ương cũng như của các bộ, ban, ngành; đặc biệt là các tổ chức và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ đến khảo sát, xây dựng các sản phẩm và có những định hướng để đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh Hà Giang."
Trong khi đó, về phía Trung ương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng: Tỉnh Hà Giang cần quan tâm hơn nữa đến phát triển du lịch dựa trên sự đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang. Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn; cần có cơ chế chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hợp lý, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy, giữ vững danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn qua các kỳ đánh giá; hoàn thành các tiêu chí và khuyến nghị của các chuyên gia và tổ chức, góp phần trong việc tôn vinh các giá trị di sản của Việt Nam và thế giới."
Lần thứ 3 nhận được công nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu là động lực để Cao nguyên đá Đồng Văn đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch; nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan. Để từ đó, vùng đất “cúi mặt sát Đất, ngẩng mặt đụng Trời”, ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế đến đây thăm quan và trải nghiệm.