(VOV5) - Đầm Thị Tường được mệnh danh là "biển Hồ giữa đồng bằng"
Đầm Thị Tường. - Ảnh: báo Cà Mau |
Cách thành phố Cà Mau khoảng 40 km về phía Nam, Đầm Thị Tường là đầm nước có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là "biển Hồ giữa đồng bằng". Đầm Thị Tường là điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi tới thăm tỉnh Cà Mau.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo truyền thuyết người dân địa phương kể lại xa xưa thời khai hoang, mở đất nơi này có một người phụ nữ tên là Tường, bà vốn gan dạ quả cảm có công xua đuổi hổ dữ đến đây quấy phá. Ghi nhớ công đức của bà bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân trên đầm, người ta lấy tên bà đặt cho đầm là Thị Tường (tức bà Tường).
Đầm Thị Tường thuộc địa phận 3 huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân của tỉnh Cà Mau. Đầm Thị Tường tạo nên từ phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch khác. Đầm Thị Tường dài 12 km, chỗ rộng nhất 2 km, chỗ sâu nhất 1,5m, thông ra Vịnh Thái Lan. Đầm gồm 3 đầm chính: Đầm Trên, Đầm Giữa và Đầm Dưới, trong đó Đầm Giữa là đầm lớn nhất.
Trước đây, muốn đến được Đầm phải đi qua nhiều con đường ngoằn nghèo nhưng hiện nay, đi lại dễ dàng vì con đường dẫn vào Đầm đã được tu sửa, nâng cấp. Dọc đường đi, du khách có thể ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường rợp bóng cây xanh và Đầm Thị Tường hiển hiện xa xa như một bức tranh thủy mặc làm rung động lòng người. Đi tham quan đầm, chiếc thuyền máy xẻ dòng nước lướt nhẹ trên mặt đầm sóng sánh nước, du khách vừa tận hưởng những luồng gió mát rượi vừa phóng tầm mắt quan sát mọi góc đẹp, cảnh quan của đầm.
Trên mặt đầm có những căn nhà sàn chồi lá của người dân địa phương nuôi sò huyết cùng với bóng dáng của những hàng dừa nước xanh um đu đưa trong gió bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của đầm. Thỉnh thoảng có vài hình bóng ẩn hiện những chiếc xuồng của người dân hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản. Ông Nguyễn Văn Ngọ, du khách đến từ tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Đầm này có từ xa xưa. Đây là đầm tự nhiên, không phải đầm cải tạo. Rừng đước, rừng dừa cũng là rừng tự nhiên, dưới nước nuôi trồng thủy sản. Đầm có vẻ đẹp hoang sơ, độ sâu khoảng 1m, rộng khoảng 12 km2.”
Trên đầm Thị Tường, có nhiều loài thủy sản sinh sống trên đầm, cá chẽm là loại cá ngon của đầm. - Ảnh: Báo Cà Mau |
Đầm Thị Tường có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú, vì thế người dân sống quan đầm bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Mực nước trên đầm thay đổi thường theo sự lên xuống của thủy triều từ 0,7m đến 1,5m, người dân cũng nương theo đó mà tận dụng đánh bắt các loại thủy hải sản. Ở đây, ngoài Hợp tác xã Đầm Thị Tường còn có vài hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống theo kiểu du lịch cộng đồng. Du khách có thể trải nghiệm, hòa nhập vào đời sống dân dã của người dân địa phương như chài lưới, câu, đó, bao chà bắt cá… và tự mình chế biến món ăn. Chị Huỳnh Thúy Kiều, một người dân kinh doanh du lịch ở Đầm Thị Tường, kể: “Tôi bán hàng ở đây 15 năm rồi, lượng khách hiện nay đông gấp đôi so với trước. Từ ngày kinh doanh cho đến nay tôi thấy lượng khách đến ngày càng đông, họ cảm nhận hài lòng về vẻ đẹp của đầm Thị Tường và các món ăn đặc sản ở đây. Đặc sản là cá vồ chó, cá lịch cũ, cá ngáp, sò huyết, tôm, cua… Giá chỉ khoảng 100.000 đồng/1 người. Đi tham quan có 2 điểm, một điểm phục vụ ăn uống, một điểm vừa phục vụ tham quan cũng vừa phục vụ ăn uống. Hợp tác xã Đầm Thị Tường có 1 phà, các thuyền phục vụ khách tham quan.”
Đến với đầm Thị Tường, du khách còn được tham qua khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước để tìm hiểu về quá trình hoạt động gian khổ, anh dũng của các chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 11/6/2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Anh Phan Văn Mế, một ngư dân sống bằng nghề lái thuyền phục vụ du khách tham quan đầm Thị Tường, cho biết: “Người dân ở Đầm Thị Tường rất tự hào vì đây không chỉ là một điểm du lịch mà cũng là nơi có khu căn cứ cách mạng Xẻo Đước. Khu căn cứ Xẻo Đước là một địa chỉ đỏ cách mạng, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ như chúng em noi theo. Du khách tới đây vừa tham quan di tích cách mạng Xẻo Đước vừa tham quan xung quanh đầm. Thuyền chạy tham quan chừng 1h đồng hồ quanh đầm, còn khách có nhu cầu đi hết đầm thì chạy khoảng 2h. Mỗi vụ Hè du lịch có hơn 10.000 du khách tham quan đầm.”
Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, Hợp tác xã đầm Phú Tường có kế hoạch đầu tư làm hệ thống cầu phao kết nối giữa các nhà sàn trên đầm với nhau. Hợp tác xã Đầm Thị Tường cũng sẽ nâng cấp, phát triển thêm cơ sở lưu trú, đảm bảo cho nhu cầu nghỉ đêm của du khách. Sông nước mênh mông, cảnh quan thiên nhiên hoang dã, đầm Thị Tường là điểm du lịch thơ mộng ở vùng sông nước tỉnh Cà Mau.