(VOV5) -Quận Tây Hồ xác định trong giai đoạn 2016-2020, du lịch sẽ chiếm 20% tỷ trọng và là ngành tăng trưởng lớn nhất trong tổng số các loại hình tăng trưởng.
Với vị trí thuận lợi và nhiều cảnh quan đẹp, quận Tây Hồ đã được thành phố Hà Nội chú trọng đầu tư để phát triển du lịch. Trong đó có đề án giới thiệu đặc sản trà sen Quảng An bên bờ Hồ Tây và đưa hoạt động vào các tuyến du lịch, góp phần thu du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ trả lời phỏng vấn về nội dung này.
Toàn cảnh Hồ Tây và hồ Trúc Bạch nhìn từ trên cao - Ảnh vtv.vn |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, UBND quận Tây Hồ vừa phê duyệt đề án “ Trung tâm giới thiệu và thưởng thứ trà sen Quảng An” và sẽ đưa vào hoạt động tại các tuyến du lịch. Ông có thể giới thiệu cụ thể hơn về đề án này?
Với quân Tây Hồ sau khi được công nhận thương hiệu trà sen Quảng An, tinh hoa chè Việt, trên cơ sở của đề án 2013, chúng tôi muốn tập trung vào một đề án cụ thể về khôi phục, bảo tồn việc trồng sen, Sen Tây Hồ nổi tiếng từ lâu, đặc biệt là có một loài sen Bách Tán hương thơm ngát chất lượng ướp trà rất tốt, được trồng nhiều tai phường Quảng An, Nhật Tân. Trên cơ sở hiện trạng là hồ Thủy Sứ rộng 4 ha, chúng tôi quyết định xây dựng nơi đây thành Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen phường Quảng An. Đề án lấy thưởng thức trà sen là chủ đạo, bên cạnh đó thưởng thức một số trà đạo của một số nước trong khu vực cũng như thêm một số món ẩm thực của Việt Nam. Khu vực có sức chứa khoảng 300 khách. Có một chòi lớn bằng tre ở trung tâm, xung quanh là một số chòi nhỏ thiết kế nghệ thuật, phối cảnh xung quanh làm nổi bật chòi trung tâm. Đặc biệt có một đường hoa giấy dẫn vào chòi chính rất đẹp. Nói chung, tất cả các dịch vụ kèm theo trong phạm vị 4 hécta, được làm đồng bộ để kể cả hết mùa sen vẫn hoạt động đảm bảo môi trường và cảnh quan.
Tây Hồ nổi tiếng với loài sen Bách Tán hương thơm ngát |
PV: Đề án này nhận được ý kiến như thế nào từ phía người dân địa phương, các công ty lữ hành cũng như các nhà đầu tư thưa ông?
Chúng tôi đang tuyên truyền phổ biến trong nhân dân các phường sở tại. Đồng thời cũng yêu cầu UBND các phường công khai lấy ý kiến người dân. Phải đến cuối tháng 11 chúng tôi mới có báo cáo tổng hợp chính thức. Nói chung, dự án nhận được sự ủng hộ rất lớn. Đối với các công ty lữ hành, người ta cũng đã đến khảo sát, nắm được tính chất đề án. Họ rất quan tâm việc đưa hoạt động này vào tua du lịch trong nước và quốc tế. Cùng với đó, chúng tôi đang kêu gọi xã hội hóa, để kêu gọi các nhà đầu tư đủ điều kiện sớm triển khai dự án, theo yêu cầu và đề bài đã đặt ra.
Trà gói trong bông hoa sen, luôn có vị thơm mát (Ảnh Hanoimoi) |
PV: Là nơi có địa thế đẹp, khu vực quanh Hồ Tây cũng còn nhiều tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ về du lịch. Vậy thưa ông, bên cạnh đề án sắp được triển khai, quận Tây Hồ còn đang thực hiện những dự án nào khác?
Tây Hồ được coi là "lá phối xanh" của thành phố, nằm trong cụm du lịch trung tâm của Thủ đô đã được phê duyệt và quy hoạch. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Sở du lịch trên cơ sở rà soát các điểm du lịch của Tây Hồ, trọng tâm là xung quanh Hồ Tây. Ngoài đề án trà sen Quảng An vừa nêu, một số dự án khác cũng đã được Thành phố phê duyệt như “Tổ chức không gian văn nghệ thuật ẩm thực Hồ Tây”, trong đó có phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi hi vọng đầu năm dương lịch tới 2018 tới, sẽ đi vào hoạt động tuyến phố đi bộ này.
Giấy dó của làng Yên Thái ( phường Bưởi ngày nay) |
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định phường Bưởi cũng là một điểm du lịch tiếp theo, theo đó chúng tôi sẽ phục dựng 8 công đoạn của mô hình làm giấy dó " tiến vua". Một tiềm năng du lịch là thung lũng hoa gần hồ sen tuyệt đẹp. Gắn với đào Nhật Tân, phong cảnh hoang sơ ở Bãi Đá tình yêu ở đê Sông Hồng, khu vui chơi dưới nước ở Quảng Bá .....cũng sẽ là những điểm đến du lịch hấp dẫn. Xôi làng nghề Phú Thượng cũng được chúng tôi đang phát triển và giới thiệu như một đề án du lịch tiếp theo...
Ông Nguyễn Đình Khuyến, PCT quận Tây Hồ, Hà Nội |
PV: Và những dư án du lịch này sẽ đóng góp vào viêc phát triển kinh tế của quận Tây Hồ như thế nào thưa ông?
Để Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa du lịch thủ đô, chúng tôi xác định xây dựng cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 64%, trong đó du lịch mới chiếm 11%. Với tiềm năng của du lịch, trong những năm tới, chúng tôi sẽ thực hiện nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và nghị quyết 06 của Thành ủy xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn cần được ưu tiên đầu tư.
Bãi đá Sông Hồng có dải lau trắng tự nhiên, luôn là điểm đến hấp dẫn của người yêu thích chụp ảnh |
Quận Tây Hồ xác định trong giai đoạn 2016-2020, du lịch sẽ chiếm 20% tỷ trọng và là ngành tăng trưởng lớn nhất trong tổng số các loại hình tăng trưởng. Bên cạnh sự ủng hộ của thhành phố và các cơ quan sở ngành, chúng tôi hi vọng với sự đồng bộ của hệ thống chính trị, sự nỗ lực của chính quyền và người dân, ngành du lịch quận Tây Hồ sắp tới sẽ khởi sắc mạnh mẽ.
PV: Vâng, Xin cảm ơn ông.