Đến Trường Sa thêm yêu Tổ quốc

(VOV5) - Ra Trường Sa, để một lần chạm tay vào cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông, để hiểu không ở đâu “cát mặn” như ở nơi quần đảo tiền tiêu bão tố, không phải bất kỳ ai mong muốn cũng có cơ hội được đến. Vì vậy, chuyến hải trình đặc biệt tháng 4 vừa qua đã đáp ứng phần nào nguyện vọng sau bao nhiêu năm ấp ủ của bà con kiều bào. 


Đến Trường Sa thêm yêu Tổ quốc - ảnh 1
Bà con kiều bào cùng các thành viên trong đoàn công tác chụp ảnh tại đảo Sinh tồn đông

Con tàu HQ 571 kéo lên hồi còi dài rồi rẽ sóng ra khơi đưa đoàn kiều bào từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia hải trình đặc biệt đến Trường Sa. Ngồi trên boong tàu, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép rọ, dõi mắt xa xăm, anh Đỗ Xuân Cẩn, người Việt ở Ba Lan, tâm sự: từng là một người lính tham gia quân ngũ trên chiến trường Campuchia, anh không nghĩ ngày hôm nay mình lại có vinh hạnh ngồi đây, hướng mặt ra biển, đến thăm các anh lính hải quân. Cảm xúc không bật thành lời.


Đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi “ngọn lửa thắp sáng giữa biển Đông”, ôm vai anh lính trẻ có đôi mắt sáng, bao dung và làn da dạn dày sóng gió, ông Nguyễn Phương Hùng, Việt kiều Mỹ, từng là một sĩ quan Việt Nam cộng hòa, khóc nấc như một đứa trẻ: "Chúng tôi những người đã xa quê hương, xa xứ sở, hôm nay được trở về, chúng tôi cảm động được vinh dự bước chân lên đảo Trường Sa để bắt tay từng anh lính biển, những người đã có mặt ở đây để bảo vệ đất nước của chúng ta, những hải đảo của chúng ta, quê hương thân yêu của đất mẹ. Mà chúng tôi mang tội bất hiếu với gia đình, bất hiếu với Tổ quốc, chúng tôi đã bỏ đất nước ra đi 36 năm bây giờ mới trở lại. Xin hồn thiêng sông núi, xin quốc tổ Hùng Vương hãy tạ tội cho con. Có ngày hôm nay con có mặt tại đây".


Đối với bà con kiều bào Thái Lan, nơi có truyền thống yêu nước được truyền lại từ những thế hệ trước, những tin tức ở quê nhà nói chung và Trường Sa nói riêng luôn được bà con trong cộng đồng mong ngóng và hướng về. Như lời ông Phan Quốc Lợi, Tổng thư ký Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan: "Kiều bào Thái lan vẫn thường xuyên hướng về Tổ quốc, hướng về các chiến sĩ đảo Trường Sa, đứng ra thay mặt để canh gác chủ quyền của đất nước Việt Nam, đứng trước đầu sóng ngọn gió để đối đầu với quân địch. Kiều bào rất ủng hộ các chiến sĩ và thấy cần phải làm gì đó để các chiến sĩ được yên tâm bảo vệ chủ quyền đất nước Việt Nam".


Đi không chỉ để cảm nhận cho riêng mình, mà đối với đa phần kiều bào, họ còn gánh vác nhiệm vụ vừa mang tình cảm của bà con cô bác đến với các anh lính đảo vừa ghi lại bằng hình ảnh một cách chân thực nhất về cuộc sống thường ngày của các chiến sĩ hải quân để truyền đạt lại cho cộng đồng. Thế nên mới có chuyện, các sự kiện diễn ra trong hành trình, không chỉ có duy nhất cánh phóng viên tác nghiệp, mà chính các đại biểu kiều bào cũng nhập cuộc với chiếc máy quay, máy ảnh giơ cao sẵn sàng bấm nút. Như ông Thái Bá Y ở Campuchia, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, khi thì máy ảnh, khi thì điện thoại, liên tục bấm máy, không bỏ lỡ một khoảnh khắc quý giá. Ông còn làm thơ, viết nhật ký Trường Sa một cách tỉ mỉ từ ngày đầu đặt chân lên tàu tới ngày cuối cùng kết thúc hành trình: "Điều ngạc nhiên nhất đặt chân lên đảo thấy đảo xây dựng rất kiên cố, tương đối đầy đủ tiện nghi, quan trọng nhất là sự vững chắc của đảo. Tôi nghĩ xây dựng trên đảo rất tốn nhiều tiền của, có công sức của nhân dân, nhà nước và các chiến sĩ để có một đảo xinh đẹp như thế này. Đây là chủ quyền của đất nước mình. Tôi rất tự hào. Tôi thấy tôi yêu Tổ quốc hơn rất nhiều lần và khi về tôi sẽ làm gì đó cho Trường Sa", ông Thái Bá Y tâm sự.


Ghé qua các đảo nổi hay các đảo chìm như Đá Nam, Đá Lát, Đá Tây, sự thiếu thốn hiện rõ. Thế nhưng, ở nơi càng gian khó, thì ý chí và bản lĩnh của những người mang trong mình trọng trách giữ biển, giữ đảo lại càng vững vàng và bất khuất giống như cây phong ba chống chọi mọi bão táp của trùng khơi. Đối với các anh, hạnh phúc là được hi sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Vào thăm nghĩa trang liệt sĩ nơi đảo xa, anh Trần Hữu Quê, kiều bào Bungari, cúi gục đầu trước ngôi mộ trắng cát, thơm hương, mắt long lanh nước.

Đến Trường Sa thêm yêu Tổ quốc - ảnh 2
Anh Trần Hữu Quê bên ngôi mộ của một liệt sĩ hải quân còn rất trẻ


Còn với anh Nguyễn Thành Long, người Việt ở CHLB Đức, đã từng công tác trong ngành thông tin tại đảo Trường Sa Lớn cách đây hai mươi tư năm, nay trở về thăm lại, ấy cũng là một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời: "Tôi cảm thấy xúc động bồi hồi như được về với chiến sĩ đồng đội của mình. Bây giờ về đến Trường Sa, các ban ngành làm lễ cầu siêu cho đồng đội của mình, có những giây phút mình cảm thấy như mất đi một cái gì đấy. Hình ảnh các chiến sĩ, trong đó có những đồng đội trực tiếp là cấp trên của mình hi sinh như hiện về. Có những chạnh lòng".


Đến đảo nào có nhà thông tin, anh Long lại lặng lẽ rẽ vào và mang quà tặng anh em chiến sĩ. Những món quà của cá nhân hay đại diện cho nhiều cộng đồng người Việt Nam ở các nước trên thế giới có khi là bức tranh khu di tích Bác Hồ ở Thái Lan; bức thư pháp viết bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; chiếc xuồng chủ quyền hay những lời ca, tiếng hát diết da, sâu nặng ân tình đều nhằm gửi chút hơi ấm từ phương xa nghìn trùng đến đảo xa quanh năm sóng vỗ.


Thiếu tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn bộc bạch: “đoàn kiều bào tới thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là một sự quan tâm đặc biệt. Hoạt động của kiều bào đến với Trường Sa thể hiện cộng đồng người Việt  đã hướng tới chủ quyền biển đảo. Họ đã đem cả niềm tin và sự trách nhiệm đến với quân dân Trường Sa. Đây là hoạt động mang tính định hướng cho cán bộ, chiến sĩ chúng tôi tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa để đáp lại những tình cảm của đồng bào cả nước cũng như kiều bào nước ngoài".


Đến Trường Sa thêm yêu Tổ quốc - ảnh 3
Món quà từ biển gửi tặng bà con kiều bào

Món quà của biển gửi tặng lại cho bà con kiều bào là đóa hồng bằng vỏ ốc, lấp lánh trong trời đêm, soi tỏ những gương mặt sạm màu nắng gió, với quyết tâm sắt đá bảo vệ biển là bảo vệ máu thịt của Tổ quốc. Món quà như một lời nhắn nhủ dành cho những người con xa quê luôn đau đáu ngóng về đất mẹ, nơi biển Đông dậy sóng, hãy yên lòng, nơi đây dù có ngàn bão giông sóng cả, vẫn luôn có những chiến sĩ hải quân anh hùng kiên gan bám trụ, giữ vững từng tấc đất của mẹ hiền yêu thương./.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:




Phản hồi

Các tin/bài khác