(VOV5) - Quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.
Quần thể di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Quần thể có tổng cộng 45 điểm di tích thành phần. Trong đó, các điểm di tích gồm: Bảo tàng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ; Hầm Ðờ-cát-tơ-ri; Ðồi A1; Di tích cứ điểm đồi Him Lam; Tượng đài Chiến thắng tại thành phố Ðiện Biên Phủ; Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và Bãi duyệt binh mừng chiến thắng, được xem như điểm nhấn đưa vào phục vụ du lịch và đạt hiệu quả.
Những căn nhà san sát nằm bên những di tích lịch sử của Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 225 về Dự án Tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Đáng kể nhất của đợt tu bổ này phải nói đến việc xây dựng mới công trình nhà Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Bảo tàng với các hạng mục bên trong bằng mô hình, khối tượng sinh động còn có gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh… khái khái quát sắc nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Việt Nam trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Các điểm di tích cũng được quan tâm tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, tạo để trở một thành điểm không chỉ thu hút khách du lịch về mặt giá trị lịch sử mà còn về mặt cảnh quan môi trường.
Trong những năm tiếp theo, việc đổi mới các hoạt động tại các điểm di tích cũng như là toàn bộ các hoạt động của đơn vị, của ngành văn hóa thể thao du lịch sẽ tiếp tục được trau dồi, được đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên. Đặc biệt là hướng tới kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, làm sao để thu hút khách du lịch đến với Điện Biên Phủ nhiều hơn.
Nhờ nỗ lực bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử của Quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ liên kết chặt chẽ với các thế mạnh du lịch khác về đặc sắc văn hóa dân tộc, Ðiện Biên dần khẳng định được vị thế du lịch của mình trong các tỉnh Tây Bắc.
Năm 2017, tỉnh Ðiện Biên đón khoảng 600 nghìn lượt khách du lịch (tăng 25% so với năm 2016), số lượng khách quốc tế ước đạt 120 nghìn lượt, với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 950 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng mạnh, với hơn 137.000 lượt người. Điều đó cho thấy việc đầu tư cho du lịch lịch sử của tỉnh Điện Biên đã đem lại những hiệu quả, thu hút khách du lịch.
Để tiếp tục xây dựng đề án phục dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của Chiến trường Ðiện Biên Phủ tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Điện Biên có cơ chế đảm bảo hơn thu hút các nguồn đầu tư từ nước ngoài và doanh nghiệp.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: "Cần phải ưu tiên từ ngân sách trung ương để đầu tư cho các hạng mục sau khi được quy hoạch. Đồng thời chúng tôi cho rằng di tích ở đây thì đều là những di tích quản lý của nhà nước. Do vậy nên chúng tôi nghĩ cả tỉnh và cả Trung ương phải có cơ chế đảm bảo hơn để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, rồi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đưa vào nội dung này mới đáp ứng được."
64 năm trôi qua, những giá trị của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn thông qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần quan trọng trong việc đưa di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ trở thành một trong những địa danh du lịch lịch sử hấp dẫn, hút du khách đến với Ðiện Biên.