(VOV5) - Dinh trấn này được xem là kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị - quân sự - kinh tế và văn hóa xứ Đàng Trong.
Di tích “Dinh trấn Thanh Chiêm” ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia.
Dinh trấn này được xem là kinh đô thứ hai, là trung tâm chính trị - quân sự - kinh tế và văn hóa xứ Đàng Trong, sau Phú Xuân (Thừa Thiên Huế) của Chúa Nguyễn. Hơn 415 năm đi qua, Dinh trấn vang bóng một thời nay chỉ còn phế tích song Quảng Nam đang triển khai kế hoạch phục dựng Dinh trấn Thanh Chiêm trở thành một điểm tham quan du lịch.
Đình làng Thanh Chiêm nằm trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm (Ảnh: VOV)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo sử liệu, vào năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập Dinh trấn Quảng Nam (còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm), ban đầu đặt tại xã Cầu Húc, sau dời về xã Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ 2 của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nơi đây từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh, chiến thắng cả hạm đội Hà Lan và đánh bại 7 cuộc tấn công quy mô của quân Trịnh. Tại Thanh Chiêm, từ năm 1617 đến năm 1625, linh mục Francisco De Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy tiếng Việt cho 2 giáo sĩ là Alexandre de Rhodes, người Pháp và Antonio Fonte, người Bồ Đào Nha. Linh mục Francisco De Pina đồng thời viết tài liệu giảng dạy “Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt”. Nhiều nhà khoa học Việt Nam khẳng định Dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi các nhà truyền giáo phương Tây đến nghiên cứu, sáng tạo và hình thành chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam.
Phát biểu trong cuộc hội thảo khoa học về Dinh trấn Thanh Chiêm, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Giá trị lịch sử, văn hóa của Dinh trấn Thanh Chiêm ngày càng được khẳng định và tôn vinh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua tỉnh Quảng Nam luôn luôn quan tâm và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu khoa học, lịch sử thực hiện nhiều Đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học về Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm".
Năm 2007, người dân Điện Phương dựng văn bia tại làng Thanh Chiêm để ghi dấu di tích lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm. (Ảnh:baoquangnam.vn)
|
Hơn 415 năm đi qua, Dinh trấn vang bóng một thời nay bị vùi sâu dưới lòng đất và chỉ còn sót lại một số dấu tích như: Chùa Long Hưng, Đình làng Thanh Chiêm...Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cùng với Uỷ ban nhân dân thị xã Điện Bàn đã quy hoạch một không gian trong khu vực được ghi nhận là Dinh trấn xưa khoảng 12.000 m2 để bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm. Tại đây tái hiện không gian khu vực Hành Cung Dinh trấn xưa, khu trưng bày hiện vật, tư liệu, bia ghi dấu Dinh trấn Thanh Chiêm và biểu tượng chữ Quốc ngữ, góp phần khẳng định vị trí Dinh trấn Thanh Chiêm trong hành trình phát triển xứ Đàng Trong. Ngoài ra, trong khu vực Thanh Chiêm còn 10 dấu tích Dinh trấn xưa đã được đánh dấu khoanh vùng tọa độ theo bản đồ hiện trạng để đưa vào bảo vệ, trùng tu.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Đối với một phế tích khảo cổ học, việc bảo tồn rất khó khăn, bởi vì trên mặt đất không còn gì cả. Muốn phục dựng hay tái hiện thì phải dựa trên tư liệu đã có. Trước mắt sẽ dựng bia ghi dấu Dinh trấn Thanh Chiêm, nhà trưng bày Dinh trấn và chữ quốc ngữ. Công trình thứ 2 chúng tôi nghĩ cũng nên xây dựng, đó là tượng đài tôn vinh chữ Quốc ngữ, trong đó có cả những giáo sỹ phương Tây, kể cả người Việt Nam đã đóng góp công sức vào việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ cho đến ngày nay".
Văn bia Làng Thanh Chiêm nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Dinh Trấn Thanh Chiêm (Ảnh: VOV)
|
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, khẳng định Uỷ ban nhân dân thị xã Điện Bàn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp xây dựng Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm trở thành điểm dừng chân mới của du khách. Hiện bây giờ, các di tích còn lại của Dinh trấn Thanh Chiếm là dạng phế tích, chỉ còn lại một vài điểm còn dấu vết. Thị xã Điện Bàn cũng đã khoanh vùng bảo vệ. Riêng khu tập trung sẽ phục dựng lại mô hình của Dinh trấn ngày xưa, sẽ phát huy một số di tích còn lại để biến nơi đây thành điểm dừng chân cho khách tham quan để khách có thể tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của Dinh trấn Thanh Chiêm.
Kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm và đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia, nhiều hoạt động lễ hội ngay trên vùng đất “dấu xưa” Dinh trấn, nhằm tôn vinh, phát huy giá trị lịch sử- văn hóa của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ, gắn kết với phát triển du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Điều này khẳng định vai trò, vị trí, giá trị văn hóa lịch sử của Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm; đồng thời thể hiện sự tri ân của các thế hệ con cháu với các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước; tôn vinh giá trị của chữ Quốc ngữ - ngôn ngữ chính thống của người Việt Nam trong công cuộc duy tân đất nước và hội nhập hôm nay