Diệu kỳ ở phía xa khơi

(VOV5) - Bình yên sau bao khó khăn, giông bão trong cuộc đời của Dung và anh Hùng là sự bình yên của khơi xa...
“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả”
Những chàng trai, cô gái đã quên mình
Lấp lánh diệu kỳ ở phía xa khơi...
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
 

Ở phía tây bắc Biển Đông, trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, đảo Long Châu, thuộc quần đảo Long Châu, huyện Cát Hải, cách bờ biển Hải Phòng khoảng 50 km. Xuôi xuống phía Nam Biển Đông, đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa, huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa, cách điểm gần nhất của đất liền chừng 470 km. Để đến Long Châu, phải đi xuồng cao tốc suốt một giờ đồng hồ từ bến tàu du lịch Cái Bèo ở thị trấn Cát Bà, thành phố Hải Phòng. Trong khi đó, nếu bắt đầu hành trình từ quân cảng Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, cần khoảng 28 đến 30 giờ thì tàu lớn mới cập bến Trường Sa.

Ngày tôi đến Long Châu, trăm ngàn con sóng cao từ 1,5 đến 2,5 mét, tới tấp dựng những bức tường nước ập xuống trước mũi xuồng. Khi tôi đến Trường Sa trên tàu KN 491, dù trọng lượng giãn nước đầy tải của tàu là 2.200 tấn, tôi cũng không tránh được say sóng biển khơi.

Diệu kỳ ở phía xa khơi - ảnh 1Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm hải đăng Long Châu

Trên chiếc xuồng mỏng manh, gần 20 năm qua, đều đặn mỗi tháng một lần, anh Nguyễn Mạnh Hùng, 53 tuổi, Trạm trưởng Trạm hải đăng Long Châu, từ đảo vào bờ báo cáo công việc với cơ quan chủ quản là Xí nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ tại thành phố Hải Phòng.

Còn với Nguyễn Thị Mỹ Dung, 28 tuổi, trong gần 5 năm ở đảo Trường Sa Lớn, cô đã 3 lần vào bờ trên những chuyến tàu của vùng 4 Hải quân. Trong số những lần sóng gió đó, một lần cô bụng mang, dạ chửa đưa bé lớn, khi đó khoảng 18 tháng tuổi, vào bờ phẫu thuật. Rồi cô sinh bé thứ hai cùng lúc. Hai tháng sau sinh, gia đình 4 thành viên của cô trở lại Trường Sa Lớn và sống ở đảo từ đó đến bây giờ...

Diệu kỳ ở phía xa khơi - ảnh 2Gia đình chị Mỹ Dung trên đảo Trường Sa lớn

Có một sự trùng hợp kỳ lạ là tôi đến Long Châu và Trường Sa Lớn đều vào lúc chiều tà, khi những vạt nắng cuối cùng trong ngày hắt bóng hải đăng Long Châu trên những vách đá tai mèo xám xịt và mặt trời bắt đầu chìm dần xuống biển Trường Sa. Màn đêm buông xuống, cũng là lúc những chớp đèn hải đăng Long Châu bắt đầu chiếu sáng khắp một vùng non nước Biển Đông.

Ở Trường Sa Lớn, Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng thắp lên chiếc đèn chiếu sáng căn hộ của mình, cùng chồng dọn bữa ăn tối, mặc cho bọn trẻ chiếc áo phông cờ đỏ sao vàng và đưa chúng ra xem văn nghệ ở quảng trường trung tâm đảo. Lát nữa thôi, cô sẽ đứng trên sân khấu, hòa giọng bài ca kết đoàn cùng những người lính đảo. Cô cũng sẽ đứng trong hàng quân lúc tàu rời bến. Chỉ để đồng thanh nói với người đi rằng “ Hãy tin ở chúng tôi. Hãy tin ở Trường Sa”.

Diệu kỳ ở phía xa khơi - ảnh 3Trước căn hộ số 4 ở đảo Trường Sa lớn

Gần 20 năm trước, anh Nguyễn Mạnh Hùng từng thao thức trong đêm đầu tiên đến đảo. Giờ đây, ngọn hải đăng không bao giờ tắt, mà anh và cộng sự thắp lên ở Long Châu, đã giúp chúng tôi ngon giấc trong cái đêm duy nhất ở nơi này.

Ở phía Trường Sa, cách Nguyễn Thị Mỹ Dung và chồng mình vượt qua sóng gió, để nuôi dưỡng những công dân nhí của biển khơi và tỏa sáng trong một cuộc đời bình thường nhất, đã giúp tôi hiểu được những diệu kỳ lấp lánh của câu chuyện gìn giữ chủ quyền đất nước Việt Nam.

Bình yên sau bao khó khăn, giông bão trong cuộc đời của Dung và anh Hùng là sự bình yên của khơi xa. Tôi đã mang theo những bình yên đó vào bờ và luôn tin rằng, đất và người nơi xa khơi ấy sẽ mãi vững bền cùng sử sách của cha ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác