(VOV5)- Phú Yên, tỉnh duyên hải Nam trung bộ nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Định. Là tỉnh nằm dọc theo ven biển, thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Yên thêm một kỳ quan độc nhất, không có nơi nào có được đó là ghềnh đá đĩa. Một tạo tác của thiên nhiên kỳ thú. Ghềnh đá trông như những chồng đĩa khổng lồ xếp chồng nghiêng lên nhau bên bờ biển xanh, trải qua ngàn năm sóng vỗ.
Nghe nội dung chi tiết tại đây.
Ghềnh đá đĩa cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km, thuộc vùng biển huyện Tuy An. Anh Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty lữ hành Tuy Hòa Tourist song hành cùng tôi đến thăm ghềnh đá đĩa. Con đường bê tông uốn lượn, hết lên dốc lại xuống dốc. 2 bên đường đi là những quả đồi mướt màu xanh, ẩn hiện những ngôi nhà xinh xắn có hàng rào xếp bằng đá. Anh Lê Hoàng Thanh Tùng, cho biết nếu đi trong khung cảnh thế này ai nghĩ mình sẽ ra biển mà là lên núi. Nhưng rồi đi hết đoạn dốc cao nhất thì biển cũng hiện ra trước mắt. Một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ hiện ra trước mắt.
Trước mắt chúng tôi là một bãi đá khổng lồ nhô ra biển trông như những chiếc cột được đục đẽo đều đặn chất chồng lên nhau theo hình xiên. Mọi vất vả, mệt nhọc như tan biến. Cảm giác thư thái, bồng bềnh khi tận mắt chứng kiến tuyệt tác của thiên nhiên. Những cây cột chồng chất kia có đầu hình lục giác. Hàng chục ngàn cây cột đá có hình lục giác dài khoảng 60-80cm, xếp chồng lên nhau trông như một tổ ong khổng lồ. Anh Tùng cho biết: Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, miệng núi lửa nằm ngay khu vực ghềnh đá đĩa. Người ta lý giải khi nham thạch phun trào thì gặp nước biển không phun lên nữa tạo lên hiện tượng đứt gãy và tạo ra ghềnh đá đĩa này. Theo một số sách viết ngoài ghềnh đá đĩa ở Mêhicô thì ghềnh đá đĩa ở Phú yên là ghềnh đá lớn thứ 2 trên thế giới. Còn ở Việt Nam là độc nhất vô nhị.
Nhìn từ xa những cột đá giống như những cái đĩa chất chồng lên nhau. Nhưng khi đến gần quan sát kỹ những cột đá tưởng chừng rời rạc nhưng lại là một khối đá to khoảng hơn 1km2. Bề mặt khối đá có những vết nứt thẳng gần như đều đặn tạo hình khối lục giác và hình tròn. Ước tính, có khoảng 35.000 cột đá xếp chồng tạo nên danh thắng này. Ghềnh đá cheo leo nhô ra biển tạo vị thế hiểm trở. Theo các nhà địa chất, đây là loại đá bazan có cách đây hàng trăm triệu năm. Sự vô tình của tự nhiên đã tạo nên một kiệt tác mà kỹ thuật hiện đại khó làm được. Anh Nguyễn Thanh Hưởng, người dân ở xã Tuy An, cho biết: Từ khi học lớp 4 lớp 5 tôi cũng thường ra đây tắm biển, rồi đánh cá, câu cá. Tôi rất tự hào, sinh ra ở đây. Tôi đã đi khắp cả đất nước nhưng thấy cảnh này đặc biệt và không có đâu giống như nơi này.
Xung quanh ghềnh đá đĩa có khá nhiều đảo, núi đá nhưng chỉ có ghềnh đá đĩa được thiên nhiên ưu ái tác tạo thành diện mạo độc đáo như vậy. Ghềnh đá đĩa càng nhìn càng thấy đẹp và hấp dẫn. Bên cạnh ghềnh đá đĩa là bãi Bàng, một bờ cát trắng mịn ôm lấy dòng nước biển xanh bao la. Nơi đây, mọc khá nhiều cây bàng tự nhiên nên tên gọi có từ đó. Anh Tùng cho biết: Ngoài ghềnh đá đĩa kết hợp với bãi tắm Bàng là một bãi tắm đẹp cộng với khu vực ghềnh ông, ghềnh bà ở phía Nam và Vịnh Xuân Đài ở phía bắc thành một khu du lịch biển đảo có thể nói là hấp dẫn nhất Phú Yên hiện nay. Khi thăm quan trên này xong xuống đó tắm biển và đi thuyền từ bãi Bàng ra khoảng 10km để lặn ngắm san hô. Lặn không cần đố nhái mà chỉ cần công cụ thô sơ là kính lặn là có thể ngắm san hô được.
Tắm biển, ngắm san hô, câu cá từng đó cũng đủ làm cho du khách thấy cần phải nghỉ ngơi. Ngồi trên những phiến đã ngắm sóng biển đánh vào bờ tung bọt trắng xóa thấy tâm hồn thanh thản. Hàng ngàn năm nay, sóng biển lúc dữ dội, khi dịu êm nhưng vẫn không làm mất đi vẻ độc đáo của nơi đây. Và sự hoang sơ cùng với tính chan hòa cởi mở của người dân là sức hấp dẫn níu chân du khách trở lại lần sau./.