(VOV5) - Đồng Nai hiện có 21 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, tham quan, vui chơi giải trí, tín ngưỡng, văn hóa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những năm qua, ngành du lịch Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực với nhiều sản phẩm, điểm du lịch mới và hấp dẫn, lượng khách và doanh thu từ du lịch ngày càng tăng. Ngành du lịch Đồng Nai hướng đến trở thành ngành kinh tế quan trọng của trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn thách thức, du lịch Đồng Nai đang nỗ lực để tìm chỗ đứng trên bản đồ du lịch, theo đó hướng du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn về môi trường sinh thái.
Đồng Nai lâu nay vẫn được biết đến là một tỉnh có thế mạnh về công nghiệp, thu hút FDI, trong lĩnh vực nông nghiệp là tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Song với du lịch, có thể nói Đồng Nai có phần chưa phát triển tương xứng với tiềm năng so với một số địa phương lân cận như Vũng Tàu, Bình Thuận có du lịch biển, Đà Lạt (Lâm Đồng) có du lịch nghỉ dưỡng… Do đó, Đồng Nai buộc phải chọn cho mình hướng đi riêng biệt để tìm chỗ đứng trên bản đồ du lịch. Đó là du lịch sinh thái.
Ảnh: Khung cảnh xanh mát tại vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai).-Ảnh tuyeengiao.vn |
Điểm qua các khu, điểm du lịch trên đã hoạt động và đang trong quá trình xây dựng tại Đồng Nai, có thể thấy phần nhiều là loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Có thể kể đến các điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như: Bửu Long, Thác Giang Điền, Suối Mơ, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tôn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, chưa kể hàng loạt các dự án du lịch sinh thái khác được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng đang được khẩn trương hoàn thành và đưa vào khai thác, phục vụ du khách. Chị Nguyễn Ngọc Thiên Lý, du khách từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, chị chọn Đồng Nai làm điểm đến cuối tuần vì các diểm du lịch ở Đồng Nai không quá xa, và du lịch sinh thái ở đây rất thú vị: "Ở TP. Hồ Chí Minh không có nhiều khu du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Ở đây mình được tham quan, được dùng các thực phẩm dân dã. Mình cũng có thể đi tham quan trên sông, kết hợp du ngoạn trên sông, dùng ẩm thực."
Du lịch của Đồng Nai có nhiều tài nguyên được đánh giá là khá phong phú, đa dạng như rừng, núi, sông hồ, thác… Du lịch Đồng Nai cũng có lợi thế lớn với mạng lưới giao thông thuận lợi, nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như Quốc lộ 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Tương lai gần sẽ có Sân bay quốc tế Long Thành và nhiều tuyến cao tốc khác, hứa hẹn giúp Đồng Nai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Đồng Nai luôn đạt những con số ấn tượng, tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách giai đoạn 2015 – 2019 đạt 10,5%/năm, doanh thu tăng trung bình tằng 14,6%/năm. Gần đây nhất, năm 2018 lượng du khách đến du lịch tại Đồng Nai đạt khoảng 4 triệu lượt, doanh thu trên 2.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 đã có khoảng 2,5 triệu lượt khách đến Đồng Nai, dự báo cả năm sẽ vượt qua con số 4 triệu của năm 2018.
Phối cảnh khu đô thị xanh tại Biên Hòa. -Ảnh moitruong.net.vn |
Với những lợi thế của mình, Đồng Nai hiện có 21 khu, điểm du lịch gồm nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, tham quan, vui chơi giải trí, tín ngưỡng, văn hóa. Dù vậy, để du lịch Đồng Nai “cất cánh” thì tỉnh sẽ còn nhiều việc phải làm để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đăng Ninh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long, du lịch Đồng Nai còn nhiều dư địa để phát triển mạnh hơn nữa, nhất là cần có thêm nhiều chính sách để khuyến khích nhà đầu tư, điển hình là giá cho thuê đất, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị làm du lịch. Ông Ninh phân tích: "Bên cạnh vấn đề giá thuê đất, thì đối với doanh nghiệp vấn đề quan tâm vừa là chính sách thuế, chính sách thuê đất, thì phải có những chính sách hỗ trợ. Trong một thời gian ngắn thì không thể giải quyết được những vấn đề đó, mà phải là một chủ trương, định hướng dài hạn. Tôi xác định rằng làm du lịch bỏ ra 1 tỷ thì ít nhất phải 2, 3 năm, 5, 7 năm mới thu hồi được chứ không phải như cách ngành nghề khác.
Là tỉnh giàu tiềm năng về mặt văn hoá lịch sử cũng như những trầm tích của các di chỉ khảo cổ học và có nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống, tạo nên một vùng văn hoá lớn. Đây là những lợi thế để Đồng Nai phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững.
Từ năm 2017, tỉnh đã ban hành chủ trương phấn đấu đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái đồng thời cũng phát triển nhiều loại hình du lịch khác mà Đồng Nai có điều kiện và thế mạnh. Tuy nhiên, để khai thác thật tốt mọi tiềm năng, thế mạnh, để du lịch Đồng Nai thực sự “cất cánh”, có chỗ đứng trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong khu vực, Đồng Nai chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.