(VOV5) - Tới đây, du khách cũng được trải nghiệm du lịch cộng đồng khám phá văn hóa bản địa.
Nằm cách Hà Nội 125 km, đồi chè Long Cốc là một điểm du lịch mới ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Những đồi chè hình bát úp xen kẽ nhau, xanh bạt ngàn tạo nên một không gian với cảnh quan thiên nhiên giống như tranh vẽ đã thực sự hấp dẫn du khách. Đặc biệt, tới đây, du khách cũng được trải nghiệm du lịch cộng đồng khám phá văn hóa bản địa. Mời quý vị cùng chúng tôi đến với Long Cốc để có những cảm nhận riêng về vẻ đẹp nơi đây:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đoàn kiều bào ở nhiều nước trên thế giới đã thực sự thú vị khi được ghé thăm đồi chè Long Cốc, một điểm du lịch khá đẹp, khá mới của Phú Thọ trong thời gian gần đây. Từ dưới nhìn lên, một màu xanh bạt ngàn của những đồi chè. Đi theo những bậc thang dài lên đỉnh đồi hoặc di chuyển bằng xe máy từ dưới con đường lên các đồi chè, một bức tranh thiên nhiên hiện ra với những đồi chè trải dài, nhấp nhô như những chiếc bát úp ngược. Phong cảnh hùng vĩ khiến du khách tới đây, không thể kìm được những giờ phút sống ảo, check in các địa điểm. Ông Nguyễn Văn Minh, kiều bào tại Thái Lan chia sẻ: Đến đây lần đầu, thấy những đồi chè, được hòa vào thiên nhiên. Trong tương lai, tôi nghĩ, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch tốt. Làm sao phải quảng bá được nơi đây, thu hút khách nước ngoài. Cả sản phẩm chè ở nơi đây cũng cần giới thiệu để mọi người biết. Chuyến đi giúp kiều bào biết đến nơi này.
Một vùng đồi chè nhấp nhô, bạt ngàn màu xanh |
Cũng lần đầu tới đồi chè Long Cốc, chị Nhật Trang Anh, kiều bào tại Phần Lan cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vỹ của cảnh sắc nơi đây. Tham quan một số khu vực của đồi chè bằng xe máy, chị Nhật Trang Anh xúc động chia sẻ: Đây là lần đầu tiên đến đồi chè. Lên điểm cao nhất của đồi chè, thực sự rất xúc động. Thực sự là mình không chụp 1 kiểu ảnh nào có mặt mình mà chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp này, vì quá hùng vĩ, nhưng lại có nét môc mạc và thô sơ. Mình tự tin mà nói rằng, nó ngang ngửa với nhiều địa danh ở các châu lục khác.
Màu xanh của chè và không khí trên đồi khiến cho bất kỳ ai đến đây cảm thấy dễ chịu |
Đến với đồi chè Long Cốc, du khách còn được thưởng thức sản phẩm chè xanh của địa phương, được tìm hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở đây. Nhận thấy tiềm năng của Long Cốc trong việc phát triển du lịch, nhiều người dân đã quyết định xây dựng các homestay đón khách. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ nhân của Homestay An Khang cho biết, thời gian gần đây, khách đến Long Cốc đông dần, đặc biệt, ngày lễ, hầu như ngày nào cũng có khách. Khách trong nước lưu trú 1 đêm, còn khách nước ngoài lâu hơn bởi họ muốn trải nghiệm du lịch bằng xe đạp và xe máy. Mô hình nhà nghỉ phục vụ du khách từ nghỉ ngơi và đưa du khách đi thăm quan các điểm đồi chè, đồng thời trải nghiệm văn hóa và ẩm thực của đồng bào Mường: Mọi người đến đây check in đồi chè, chụp ảnh đồi chè nhưng cũng muốn có điểm vui chơi rồi có những sản phẩm truyền thống làm quà lưu niệm. Ở đây chỉ có chè bát tiên hoặc rau xanh của người dân đem ra bán thì du khách mua được. Khi có sự kiện thì tổ chức các homestay giao lưu với nhau. Chúng tôi đưa khách đi trải nghiệm đồi chè hoặc làm mẫu ảnh. Khách ở lại, có nhu cầu thưởng thức đặc sản thì mình phục vụ, có cá suối, vịt ngan, rau rừng, thịt dê, thịt trâu.
Chị Thu Hương( ngoài cùng bên phải) chủ nhân của Homestay An Khang cùng các chị em trong đội văn nghệ |
Mô hình nhà nghỉ không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập cho mỗi gia đình mà còn giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương khi sử dụng họ để nấu nướng và làm hướng dẫn viên du lịch. Cũng như chị Thu Hương, chị Trần Thị Thanh, chủ nhân homestay Thanh Niên cũng được chồng ủng hộ để thành lập mô hình du lịch của gia đình, đồng thời trở thành hướng dẫn viên cho du khách. Chị Trần Thị Thanh chia sẻ:
|
Em làm từ năm 2019. Do khách lên Long Cốc có nhu cầu ăn và nghỉ nên hai vợ chồng quyết định mở homestay. Lượng khách về khá đông. Những ngày cuối tuần và lễ kín phòng. Như nhà em có 13 phòng và 2 gian cộng đồng. Làm theo kiểu nhà sàn, 3 phòng khép kín còn có các phòng vệ sinh chung. Từ tháng 8 đến tháng 4 khách nước ngoài đông. Khách đi lẻ nhiều. Một tour có 2 cho đến 3, 4 người. Tháng nhiều khách, chúng em không được nghỉ ngày nào. Khách yêu cầu đưa đi bộ, đi từ 1h chiều đến 5h chiều. Hôm sau đi từ 8 đến 10h. Có khách thích đi xe máy, yêu cầu như thế nào thì mình hỗ trợ như thế. Em mong muốn mang ẩm thực địa phương giới thiệu cho du khách.
Không chỉ là chủ nhân của các mô hình homestay, các chị còn tham gia đội văn nghệ dân gian để phục vụ du khách khi tới Long Cốc. Giới thiệu cho du khách về vẻ đẹp của địa phương, về ẩm thực cũng như những điệu múa, bài hát của dân tộc Mường là mong muốn của mỗi người dân nơi đây. Anh Hà Anh Tuấn, một người dân ở đây cho biết: Trong đội văn nghệ có mấy anh chị tự xây homestay. Toàn người dân ở đây. Du khách đến đây thích ở homestay. Nhờ có mấy đồi chè lân cận ở xung quanh thì mọi người tổ chức làm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng. Còn nếu du khách muốn xem văn nghệ, chúng em cũng phục vụ luôn.
Rời khỏi Long Cốc khi trời tắt nắng, mỗi người cảm thấy tiếc nuối những giờ phút được hòa mình cùng thiên nhiên và cuộc sống thanh bình khác hẳn sự náo nhiệt và ồn ào của đô thị. Những trải nghiệm ở Long Cốc cho dù với khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng để lại những cảm xúc thật đặc biệt cho bất kỳ ai khi đặt chân tới đây.