(VOV5)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước các đây 50 năm, vào ngày 5/8/1964, quân Mỹ bắt đầu chiến dịch “hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên) nhằm đánh phá các điểm giao thông xung yếu của miền Bắc như: Cầu Hàm Rồng, Phà Ghép (Thanh Hóa); phà Bến Thủy (Nghệ An), Hòn Gai và Cảng Gianh (Quảng Bình).
Với quyết tâm chi viện cho miền Nam, một tuyến đường mới đã ra đời, bắt đầu từ phía Tây tỉnh Ninh Bình, nối với đường Hồ Chí Minh vào đến tỉnh Quảng Bình. Cùng với quốc lộ 1A, đây là tuyến đường chính đi qua dải đất miền Trung để vận tải toàn bộ vũ khí, lương thực, con người vào chi viện cho miền Nam.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Con đường 15 tấp nập hàng hóa, bộ đội đi qua là một phần của con đường Hồ Chí Minh ngày ấy. Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 - Binh đoàn Trường Sơn (tiền thân của Đoàn 559), cho biết gần 50 năm, từ một con đường mòn, thưa thớt dân cư, ngày đêm bị đánh phá bằng nhiều loại bom đạn… nay đã trở thành một con đường nhựa và bê tông hiện đại, nhà cửa mọc san sát, xe cộ đi lại tấp nập. Những năm đó, chỉ có con đường quốc lộ 1A là trục đường huyết mạch và một số đường ngang sang Lào. Khi có chiến tranh thì con đường 15, song song với quốc lộ 1, trở thành đường chính và là tuyến huyết mạch vận tải quân sự. “Từ ngày 5/8/1964 Mỹ đánh phá miền Bắc, mục tiêu chủ yếu là tập trung đánh phá giao thông để ngăn chặn vận chuyển hàng hóa vào miền Nam. Địch cũng đánh những nơi trọng yếu, đó là những cây cầu, bởi sập cầu là không còn con đường nào đi. Dọc tuyến quốc lộ lúc bấy giờ là địch đánh sập tất cả các cầu. Giai đoạn đó, chủ yếu vận chuyến của quân đội VN là trục đường 15, xuất phát từ phía Tây Ninh Bình đến phía Tây Thanh Hóa, đến Tân Kỳ, đi xuôi huyện Đô Lương, Nam Đàn, Lĩnh Cảm rồi tới huyện Hương Sơn, Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh, từ theo trục đường 8 qua bên Lào. Đó là tuyến đường chính đi qua giải miền Trung để vận tải toàn bộ vũ khí, lương thực, con người để đi vào miền Nam.”
Đi trên đường Hồ Chí Minh dọc miền Trung, sẽ gặp nhiều cột mốc, di tích… nơi ghi dấu của một thời chiến đấu oanh liệt của dân tộc. Đặc biệt, khi không quân Mỹ phát hiện ra con đường này đã tổ chức đánh phá ác liệt, với nhiều loại bom đạn đã trút xuống đây nhằm phá hủy tuyến vận tải quan trọng vào chiến trường miền Nam. Từ Km số 0, không quân Hoa Kỳ đánh đến đèo Chuông Bồn, phà Nam Đàn, Phà Gianh… và một trong những địa danh đi vào huyền thoại đó là Ngã ba Đồng Lộc.
|
Ngã ba Đồng Lộc những ngày ác liệt nhất- Ảnh: Ngân Chài |
Ngã ba Đồng Lộc, thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh dọc dãy núi Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu rất nhiều bom đạn của quân thù trút xuống bởi đây là huyết mạch quan trọng trong tuyến đường vận chuyển nhu yếu phẩm và con người phục vụ cho mặt trận miền Nam, chính vì vậy mà Mỹ rất muốn cắt đứt tuyến đường quan trọng này. Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung cho biết: mỗi m2 ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn chưa kể các loại mìn và vũ khí khác. Vào lúc cao điểm nhất, tại khu vực trọng điểm này tập trung 16.000 người là quân số của các binh chủng hợp thành: “Ngã ba Đồng Lộc có địa thế rất quan trọng. Đồng Lộc có con đường chính là đường 15 tiếp tục chạy vào Khe Giao, Hà Tĩnh, và một con đường chạy xuống Quốc lộ 1A… Tất cả chi viện cho miền Nam thời bấy giờ đi qua quốc lộ thì bị đánh phá sập cầu, vì vậy phải lên đường 15 đi vào miền Nam. Chính vì thế sẽ đi qua ngã ba đường tại của xã Đồng Lộc. Địch chặn ở đấy. Đồng Lộc một bên là núi, một bên là đồng sâu. Nếu chặn được Đồng Lộc thì tuyến vận tải vào Miền Nam sẽ bị dừng lại và không có đường tránh. Điểm của Đồng Lộc rất khó tránh vì rẽ xuống đồng thì toàn bùn lầy, rẽ lên thì là núi cao. Đó là con đường độc đạo. Theo quan điểm của đế quốc Mỹ thì chọn đánh phá điểm huyệt này thì hiệu quả hơn với nơi khác.”
|
Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc đã đi vào bất tử - Ảnh: tư liệu |
Ngã ba Đồng Lộc gắn liền với sự hy sinh của mười nữ thanh niên xung phong. Sự hy sinh đó đã trở thành huyền thoại trong thời kì kháng chiến chống Mỹ và trong suốt lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. 10 cô gái này thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 2 Tổng đội Thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh, tuổi đời còn rất trẻ (từ 17 đến 24 tuổi) do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng. Những cô gái ban ngày tránh bom quân địch rải thảm, đến đêm lại ra lấp những hố bom để thông đường chi viện cho tiền tuyến. Sáng ngày 24/7/1968, các chị nhận lệnh lấp hố bom gấp, sau nhiều lần tránh được bom địch phá hoại khu vực ngã ba Đồng Lộc, một quả bom đã rơi ngay nơi các chị đang làm nhiệm vụ.
Nơi các nữ thanh niên xung phong hy sinh nay đã trở thành Khu di tích tưởng niệm mười người nữ anh hùng đã hy sinh tuổi trẻ của mình vì độc lập dân tộc. Anh Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, cho biết: “Ban quản lý rất chú trọng đến đội ngũ tuyên truyền viên, để làm thế nào du khác hiểu được quá khứ hào hùng của chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt trên mặt trận giao thông vận tải, chiến tranh nhân dân. Để thế hệ trẻ hôm nay sống sao cho tốt, cho xứng đáng với sự hỹ sinh mất mát đối với cha anh đi trước. Tháng 7 là tháng cao điểm tại Ngã ba Đồng Lộc, bình quân mỗi ngày Ban quản lý di tích đón trên dưới ba nghìn, riêng tháng 7 gần 40-50 nghìn lượt khách về thăm quan, dâng hương.”
|
Đồng Lộc hôm nay |
Khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc nằm ở một vùng thung lũng được bao bọc bởi những rừng thông xanh ngút ngàn. Nhà trưng bày, Bảo tàng thanh niên xung phong, Đài tưởng niệm đã được xây dựng khang trang nằm đối diện với khu mộ của 10 cô gái, nằm gối đầu lên đồi thông của núi Trọ Voi hùng vĩ. Hàng năm, hàng vạn du khách trong và ngoài nước cùng kiều bào đã đến đây dâng hương tướng niệm những người con đã hy sinh cho Tổ quốc và thăm khu di tích lịch sử này./.