(VOV5)- Từ năm 1558 đến năm 1945, Huế từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn và là kinh đô dưới 13 triều vua Nguyễn. Trải qua 4 thế kỷ, qua bao thay đổi, Kinh đô Huế xưa kia đã trở thành di sản văn hóa, một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh nổi tiếng. Với vẻ đẹp riêng có, năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
|
Huế đẹp trầm mặc với những cung điện, thành quách xưa - Ảnh minh họa/Internet. |
Nằm giữa lòng thành phố Huế, bên bờ Bắc của con Sông Hương, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn vẫn trường tồn trước những biến động của thời gian, không gian. Cố đô Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày nay vẫn còn lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị về nghệ thuật kiến trúc và những giá trị văn hóa nghệ thuật phi vật thể. Nói đến Huế là nói tới những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự luôn phảng phất không gian trầm tư u tịch. Nói đến cố đô Huế phải nói đến vẻ đẹp kiến trúc Kinh thành Huế, Hoàng thành, Tử cấm thành. Ba vòng thành được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh... Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành là Tử cấm thành, nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia. Xa xa về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ Sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa, mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam. Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp; lăng Minh Mạng uy nghi giữa rừng núi hồ ao; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm u uẩn giữ chốn đồng không quạnh quẽ... Hàng năm, địa điểm du lịch này đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và nước ngoài tới tham quan.
Đến với cố đô Huế, khách phương xa còn cảm nhận được một vẻ thơ mộng. Có lẽ chính dòng sông Hương trong xanh, lững lờ trôi ngang trước Kinh thành Huế là yếu tố tạo nên vẻ đẹp đậm chất thơ ấy. Sông Hương không chỉ là trục giao thông đường thủy mà còn như một thành lũy tự nhiên bảo vệ Kinh thành Huế. Sông Hương gắn với núi Ngự Bình tạo nên một vẻ sơn thủy hữu tình đậm chất phương Đông. Ông Nguyễn Xuân Hòa, người dân thành phố Huế, tự hào khi nói về con sông quê hương: "Sông Hương như một bảo vật thiên nhiên đối với xứ Huế. Hiếm có dòng sông nào ở Việt Nam lại mang vẻ đẹp trong xanh, đa dạng và đầy chất thơ như sông Hương. Từ núi rừng Trường Sơn, băng qua đại ngàn, Sông Hương lại có vẻ đẹp rất hoang sơ. Khi về đến đồng bằng, sông Hương vắt ngang qua thành phố mềm mại như 1 dải lụa. Rồi ra đến phá Tam Giang, gắn với sông nước vùng đàm phá, sông Hương lại có vẻ đẹp mênh mông."
Sông Hương uốn lượn quanh co giữa núi rừng trùng điệp, đồi cây. Dòng sông chầm chậm chảy qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Trên dòng Hương Giang, những con thuyền Huế xuôi ngược chở du khách đi vãn cảnh cố đô. Đi thuyền trên sông, nghe nhã nhạc Cung đình hay những điệu hò, dân ca xứ Huế ngọt ngào luôn là hoạt động du lịch được các du khách yêu thích.
Hai bờ sông Hương được nối liền nhau bởi cầu Trường Tiền hơn 100 năm tuổi. Cây cầu này là biểu tượng của đất cố đô và cũng là một trong những cây cầu Pháp đầu tiên ở Đông Dương có giá trị thẩm mỹ đạt tới đỉnh cao thành tựu khoa học đương thời. Cây cầu bắc ngang dòng Hương Giang được ví như một nét thơ xứ Huế. Bởi vậy mà sông Hương, cầu Trường Tiền đã nhiều lần được đưa vào các tác phẩm thơ ca của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ. Ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu về Huế, cho biết: "Đối với người dân Huế, cầu Trường Tiền là công trình kiến trúc sớm nhất và mang tính giá trị nghệ thuật cao nhất. Sinh ra và lớn lên ở Huế, không ai là chưa từng đi qua cây cầu này. Bao giờ họ cũng ghi đậm trong tâm thức của mình hình ảnh cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương."
Ngày nay, Huế còn được biết đến là một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Cứ hai năm một lần, thành phố Huế lại đón bạn bè trong nước và quốc tế tới tham dự Festival. Giữa không gian kiến trúc của các triều đại phong kiến, cảnh quan thiên nhiên, con người cùng những tiết tấu độc đáo, những lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống đã tạo nên thương hiệu Festival Huế nổi tiếng. Cố đô Huế là một điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến với mảnh đất miền Trung Việt Nam, nơi để trải nghiệm và khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của một kinh đô xưa cũ.