(VOV5) - Không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2021.
Việc mở rộng không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội mà còn kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Không gian phố đi bộ được quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2004 trên các phố: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy. Năm 2014, quận Hoàn Kiếm mở rộng không gian đi bộ gồm 6 tuyến phố trong khu vực bảo tồn cấp một gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện. Từ năm 2016, quận Hoàn Kiếm triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với phạm vi trên 16 tuyến phố, đoạn phố, gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Lò Sũ, Hàng Dầu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn, Bảo Khánh, Hàng Bài.
Tám tuyến phố và ba ngõ (màu xanh lá cây) trở thành không gian đi bộ từ ngày 1/1/2021. Đồ hoạ: Việt Chung. |
8 tuyến bố đi bộ mới đưa vào hoạt động gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, hàng Bè, Hàng Dầu, hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng và một phần ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc. Việc mở rộng không gian đi bộ tạo sự kết nối với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tạo, đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Việc mở rộng các tuyến phố phía Nam khu phố cổ Hà Nội gắn với phía Bắc hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận nhằm tạo một không gian đi bộ hoàn chỉnh. Khu phố cổ là di tích quốc gia và hồ Hoàn Kiếm là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Kết nối 2 khu di tích với nhau tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh, nhằm phát huy giá trị 2 khu di tích đó.”
Khu phố cổ Hà Nội là nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây có kiến trúc độc đáo với các phố nghề truyền thống, các ngôi nhà cổ, cùng các di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, hội tụ tinh hoa ẩm thực Hà Nội. Tính đến nay, khu phố cổ chứa đựng kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích (bao gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng, 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am…
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận thu hút đông người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Ảnh: Giang Nam |
Với người dân Thủ đô, mỗi phố cổ đều gắn liền với lịch sử phố nghề hàng nghìn năm của Thủ đô văn hiến. Chị Nguyễn Ngọc Diệp ở phố Hàng Bạc, cho biết:
“Phố Hàng Bạc có đình Kim Ngân. Đình này cũng là nơi thờ tổ nghề làm bạc. Ở đây đa số đều là nơi ở của các nghệ nhân làm vàng, bạc, đồ trang sức.”
Tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội mở cửa đón du khách vào 3 tối cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy, chủ Nhật) với khung giờ mùa Hè là từ 19h - 24h, mùa Đông từ 18h - 24h. Quận Hoàn Kiếm tổ chức sắp xếp các hoạt động kinh doanh trên tuyến phố một cách khoa học, theo từng ngành hàng; đồng thời mở cửa các di tích lịch sử, văn hóa, tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách tham quan cả ngày lẫn đêm.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn kiếm, cho biết: “Phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ là các hàng ăn uống và khách sạn. Phố hàng Bè bán đồ thủ công mỹ nghệ, phố Đào Duy Từ, phố Cầu Gỗ là các hàng tạp hóa, ẩm thực. Phố Đinh Liệt, phố hàng Dầu là các phố bán đồ len dạ và giày dép. Phố hàng Bạc chuyên kinh doanh đồ kim hoàn. Riêng Ô Quan Chưởng là trung tâm để tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội. Trong các dịp lễ hội sẽ tổ chức các quầy hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực và đặc sản các vùng miền trên cả nước.”
Từ lâu, không gian đi bộ ở khu phố cổ Hà Nội đã trở thành nơi nơi giao lưu của các vùng miền trong cả nước và là điểm đến hấp dẫn ở Thủ đô Hà Nội. Việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam phố cổ Hà Nội kết nối với phía Bắc không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, gắn kết, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của khu phố cổ Hà Nội. Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng khu phố cổ Hà Nội trở thành Trung tâm văn hóa của cả nước.