(VOV5) - Hoàng được theo học chương trình hòa nhập cùng các bạn sáng mắt. Từ lớp 1 đến lớp 12, em luôn là học sinh đứng tốp đầu của lớp.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, chàng trai khiếm thị Trần Việt Hoàng (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên khẳng định mình. Việt Hoàng không chỉ dùng công nghệ mở ra tương lai cho bản thân mà còn chung tay tạo nên nhiều dự án ý nghĩa cho cộng đồng người khiếm thị với mong muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh.
Từ khi 5 tuổi, Trần Việt Hoàng đã phát hiện mắt có những biểu hiện bất thường, nhìn mờ. Mức độ ngày càng tăng, đến khi 10 tuổi thì cậu bé không nhìn thấy nữa do triệu chứng bong võng mạc. Ngoài những bất tiện khi không thể quan sát, em còn mất đi nhiều cơ hội học tập, phát triển bản thân, đồng thời phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống khi hoàn cảnh gia đình em cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì vậy mà Hoàng chấp nhận buông xuôi. Trần Việt Hoàng đã tiếp cận và học chữ nổi braille từ rất sớm: Đúng lúc em không nhìn thấy gì nữa thì các chú ở Hội Người mù huyện Can Lộc đến động viên em, thắp sáng niềm tin về tri thức cho em. Hội dạy em học chữ braille, kết nối để em trở lại trường học.
Không còn khả năng nhìn nhưng Hoàng (áo trắng) vẫn làm chủ các thiết bị công nghệ như các bạn sáng mắt. Ảnh: VOV |
Hoàng được theo học chương trình hòa nhập cùng các bạn sáng mắt. Từ lớp 1 đến lớp 12, em luôn là học sinh đứng tốp đầu của lớp. Đặc biệt, năm 2019, khi đang là học sinh lớp 12A2 trường THPT Đồng Lộc, Hoàng còn giành được học bổng trị giá 2,2 tỷ đồng của Đại học Fullbright Việt Nam; và cũng là một trong những học viên xuất sắc nhất lớp tin học văn phòng, do Trung tâm Đào tạo cán bộ, phục hồi chức năng cho người mù phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Đây là bước đệm giúp Hoàng bén duyên với ngành Khoa học máy tính sau này: Em là sinh viên ngành khoa học máy tính. Từ năm thứ hai em đã đi thực tập, sang năm 3 em bắt đầu đi làm. Hiện tại, em đang là lập trình viên, công việc chủ yếu liên quan đến các sản phẩm công nghệ.
Là sinh viên khiếm thị nhưng Hoàng vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời, vận dụng kiến thức đã học để tạo thu nhập trang trải cho cuộc sống xa quê. Cùng với đó, thấu hiểu khó khăn, trở ngại của những người đồng tật, năm 2021, Hoàng đã mở lớp dạy lập trình cho người khiếm thị. Là người sáng lập và điều hành dự án Innerlight Vietnam, Hoàng cũng chia sẻ các công cụ công nghệ mới để hỗ trợ người khiếm thị. Bận rộn với công việc và học tập nhưng Hoàng vẫn đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam với rất nhiều hoạt động hướng đến người khiếm thị: Ngoài hoạt động của mạng lưới, em còn thực hiện một số việc cá nhân như dạy lập trình cho các bạn khiếm thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Em cũng tổ chức dạy online một số khóa tương tự cho những bạn khiếm thị.
Để khích lệ người khuyết tật vươn lên, Hoàng (áo đen) tham gia nhiếu sự kiện, sẵn sàng chia sẻ về hoàn cảnh gia đình và hành trình vượt khó của mình để lan tỏa lối sống tích cực. Ảnh: VOV |
Chưa dừng lại ở đó, Hoàng còn tham gia một số cuộc thi và giành được kết quả cao, như: Giải Nhì đọc, viết nhanh chữ Braille do Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh tổ chức; Giải Ba cuộc thi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam của đại học Fulbright Vietnam; Giải Nhì cuộc thi thuyết trình, hùng biện do mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam tổ chức. Hoàng cũng nhận được bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội; được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh là 1 trong 35 tấm gương tiêu biểu của chương trình “tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023.
Nhìn vào quá trình vượt khó với những thành tích mà Trần Việt Hoàng đạt được, bạn bè và đồng nghiệp đều thán phục. Lê Thảo Nguyên, bạn cùng lớp Đại học của Việt Hoàng, cho biết: Em thấy Hoàng gặp rất nhiều khó khăn nhưng bạn ấy luôn có thái độ sống tích cực, không ngừng vươn lên trong học tập, công việc. Chính những khó khăn đã giúp Hoàng tư duy để thoát khỏi khó khăn ấy. Đó cũng là động lực để em học tập, làm việc tốt hơn.
Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, Hoàng mong muốn truyền cảm hứng, tạo thêm động cho những người khiếm thị như mình vươn lên trong cuộc sống: Để vượt qua khó khăn, điều quan trọng là mình phải chủ động học hỏi, tìm kiếm các nguồn trợ giúp từ những người xung quanh. Chính từ những khó khăn mà em gặp phải đã vun đắp cho em mong muốn những bạn có hoàn cảnh giống mình sẽ bước đi 1 cách dễ dàng hơn, thuận tiện hơn. Những bước em đã đi sẽ để lại những kinh nghiệm để các bạn có thể tham khảo, rút ra những bài học để các bạn không gặp phải như mình.
Trần Việt Hoàng cho biết để vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại, em luôn coi sự tự tin là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công: Em luôn nói với chính mình rằng “mắt tôi mù nhưng trí tuệ tôi sáng”. Em luôn tự tin vào chính bản thân mình. Em nghĩ để thành công có nhiều việc cần phải làm nhưng điều đầu tiên và căn bản nhất là mình phải luôn duy trì sự tự tin, tự tin vào bản thân mình, tin tưởng vào khả năng và kiến thức của mình.
Ở độ tuổi rất trẻ, nhưng Trần Việt Hoàng lại luôn có mong ước được “trả ơn cuộc đời”. Với Hoàng, đó là lời tri ân, cảm ơn cộng đồng và xã hội vì đã đem đến ánh sáng cho em, cho em được sống một cuộc đời có ý nghĩa. Hiện tại, Hoàng đang sở hữu kênh Tiktok “Coding the Light” – (Lập trình ánh sáng) với nhiều nội dung truyền cảm hứng tích cực về cuộc sống cho những người xung quanh.