(VOV5) - Hồ Thác Bà sẽ trở thành khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các loại hình du lịch
Là một trong bốn hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với diện tích mặt nước lớn cùng nhiều hòn đảo lớn nhỏ, hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái, như một bức tranh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Hồ Thác Bà được ví như “Vịnh Hạ Long (Di sản tự nhiên thế giới) trên núi” bởi khung cảnh nên thơ, tràn ngập sắc xanh của thiên nhiên trong lành.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thăm hồ Thác Bà, trải nghiệm trên thuyền hoặc di chuyển bằng tàu thủy, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành giữa mặt nước mênh mông, lung linh soi bóng những hòn đảo điệp trùng.
Hồ Thác Bà rộng gần 20.000 ha mặt nước, gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Ảnh: Thừa Xuân/ VOV |
Nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, hồ Thác Bà có diện tích mặt nước rộng gần 20 nghìn ha, với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ trùng điệp, những dãy núi đá vôi nổi bồng bềnh trên sóng nước, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng núi. Đến với hồ Thác Bà, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn biển nước mênh mông, những đảo cây ngút ngàn soi bóng xuống mặt hồ xanh ngắt.
Điểm đầu tiên du khách có thể ghé thăm là khu vực Nhà máy thủy điện Thác Bà. Đây là công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam, vừa phát điện vừa chống lũ lụt, hạn hán cho đồng bằng Bắc bộ. Với chiều dài thân đập gần 660m, độ cao gần 50m, nhà máy nằm sừng sững giữa núi rừng Tây Bắc khiến du khách thêm cảm thấy tự hào về bàn tay khối óc của thế hệ đi trước đã xây dựng nên công trình. Tiếp đó, du khách có thể đến thăm đền mẫu Thác Bà, từ lâu đã nổi tiếng là chốn linh thiêng, nơi đây đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2004. Một không gian yên bình, thanh tịnh, cổ kính và linh thiêng như hiện ra trước mắt du khách.
Đến với Thác Bà du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa.
Ảnh: Thừa Xuân/ VOV |
Ông James Chen, du khách Đài Bắc, Trung Hoa, chia sẻ: "Lần đầu tiên đến với hồ Thác Bà, tôi cảm thấy rất bất ngờ với cảnh đẹp nơi đây. Tôi đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều khu du lịch, thắng cảnh ở quê hương tôi và cả những quốc gia khác và đây là một trong những nơi làm tôi ấn tượng sâu sắc về phong cảnh và vẻ đẹp tự nhiên. Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ quay trở lại cùng với những người thân của mình."
Lênh đênh giữa lòng hồ, du khách có cơ hội ghé thăm đền Thác Ông, chùa São, núi Cao Bền…, và đặc biệt, không thể bỏ qua động Thủy Tiên. Đây là hang động gắn với truyền thuyết nơi chín nàng tiên hạ phàm tới nhân gian với nhiều nhũ đá đẹp. Từ trên cao của động Thủy Tiên, du khách có thể quan sát toàn cảnh dòng sông Chảy uốn lượn qua triền núi, mềm mại như một dải lụa.
Cùng hệ thống hang động, du khách có thể lên núi Cao Biền, dãy núi lớn và dài nhất thắng cảnh hồ Thác Bà. Đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt để ngắm cảnh hồ với vẻ đẹp lung linh huyền ảo, cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, để tìm lại dấu ấn xưa của chợ Ngọc, chợ Ngà nổi tiếng Thác Bà một thời bán, buôn sầm uất... Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp có thêm bàn tay kiến tạo của con người khiến hồ Thác Bà càng trở nên kỳ vĩ và đầy hấp dẫn với du khách. Đến với hồ Thác Bà, du khách được tận hưởng sự tự do, thư thái bên mặt hồ mênh mông sóng nước, không khí trong lành mát mẻ với bốn bề đều là cảnh vật đầy thơ mộng mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.
Xunh quanh hồ là các bản làng của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... với nhiều nét văn hóa độc đáo. Du khách đến với Thác Bà vừa có thể thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, lại được biết và tham gia cùng với các hoạt động văn hóa của đồng bào nơi đây. Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Thương mại và du lịch Hồ Thác Bà, cho biết: "Xung quanh hồ Thác Bà có 8 dân tộc sinh sống. Đây là một quần thể văn hóa đặc trưng, nếu du lịch khai thác được những nét văn hóa độc đáo của đồng bào thì đó là một giá trị vô giá."
Hiện nay, huyện Yên Bình đã xây dựng rất nhiều tour du lịch hấp dẫn như ngắm cảnh, khám phá hang động trên hồ Thác Bà, du lịch tâm linh, trải nghiệm hoạt động sản xuất với đồng bào các dân tộc bản địa…
Ông Nguyễn Tuấn Mạnh, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Yên Bình, cho biết: Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, huyện cũng chú trọng việc bản tồn giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và các làng nghề truyền thống để thu hút du khách đến trải nghiệm: "Phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, huyện Yên Bình tạo điều kiện và chỉ đạo xây dựng các đội văn nghệ dân gian các dân tộc, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ. Chỉ đạo tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa."
Theo định hướng, hồ Thác Bà sẽ trở thành khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu. Đồng thời, là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp có thêm bàn tay kiến tạo của con người khiến hồ Thác Bà càng trở nên kỳ vĩ và đầy hấp dẫn với du khách.